TP.HCM bổ sung 41 tuyến đường thu phí vỉa hè
Sau 5 tháng thí điểm, quận 1, TP.HCM quyết định mở rộng việc cho thuê vỉa hè lên 52 tuyến đường nhằm cải thiện trật tự đô thị và tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho người dân.
Theo UBND quận 1, TPHCM, từ tháng 5/2024, quận này đã thí điểm việc cho thuê vỉa hè tại 11 tuyến đường. Kết quả có 374 trường hợp đăng ký thuê vỉa hè để kinh doanh, tổng số phí thu hơn 810 triệu đồng.
Sau đó, quận 1 tiếp tục triển khai cho thuê vỉa hè trên 41 tuyến đường. Việc mở rộng thu phí vỉa hè thêm 41 tuyến đường mới sẽ nâng tổng số các tuyến cho sử dụng vỉa hè có thu phí tại quận 1 lên 52. Trong đó, phường Bến Thành là nơi "đắt khách" nhất khi có khoảng 179 hộ đã đăng ký kinh doanh trên vỉa hè. Những tuyến đường này đều đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng và không ảnh hưởng đến giao thông.
Sau thời gian thí điểm, tình hình trật tự đô thị, hè phố dần ổn định hơn. Địa phương chưa ghi nhận xung đột giao thông cũng như ảnh hưởng an toàn của người đi bộ. Việc đăng ký dùng vỉa hè và đóng phí không dùng tiền mặt giúp giảm thủ tục, minh bạch nên được người dân ủng hộ.
Quận 1 là địa phương đầu tiên tại TP.HCM thí điểm sử dụng một phần vỉa hè để tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa có thu phí. Sau địa phương này, các quận khác như: 3, 10, 12 và Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng đang triển khai cho nhiều mục đích khác nhau.
Hiện, mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000 - 100.000 đồng/m2.
41 đường sẽ cho thuê vỉa hè thuộc 7 phường: Bến Nghé, Tân Định, Đa Kao, Phạm Ngũ Lão, Cầu Ông Lãnh, Nguyễn Thái Bình và Bến Thành. Những tuyến này có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên, sau khi chừa lại ít nhất 1,5 m cho người đi bộ, phần diện tích còn lại mới bố trí cho các hộ đăng ký làm điểm kinh doanh. Cụ thể như các đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Cống Quỳnh, Đề Thám, Tôn Thất Tùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Du...
Năm 2024 ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ chi tới hơn 1,15 tỷ USD để nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều của Việt Nam.