TP.HCM: Chợ dân sinh giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng hàng hóa

Thị trường tiêu dùng
10:58 AM 23/04/2025

Dù hệ thống phân phối hiện đại phát triển, chợ dân sinh vẫn giữ vai trò cung ứng chính, chiếm tới 65% tổng lượng hàng hóa tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 232 chợ dân sinh (chợ truyền thống). Hệ thống 232 chợ dân sinh này đang giữ vai trò chủ chốt trong việc cung ứng hàng hóa, chiếm tới 60-65% tổng lượng hàng hóa tiêu thụ trong thành phố. 

TP.HCM: Chợ dân sinh giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng hàng hóa- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: NLĐ

Trong khi đó, hệ thống siêu thị chỉ chiếm khoảng 13-15%, còn các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường và các đơn vị phân phối hiện đại khác cung cấp khoảng 22-25%.

Đó là thông tin được Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cung cấp tại Hội thảo “Hệ thống chợ dân sinh tại TP.HCM - Nhìn về tương lai”.

Những con số trên cho thấy, trong hoạt động thương mại ngày nay, sự hình thành và phát triển mạng lưới chợ dân sinh có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của một vùng bởi chợ là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong tổng thể kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Sự phát triển mạng lưới chợ dân sinh cũng phù hợp với nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhà sản xuất và người tiêu dùng. 

Chợ dân sinh vẫn giữ vai trò là đầu mối lưu thông hàng hoá, là nơi cung cấp thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày của người dân.

Không chỉ gắn với sự phát triển kinh tế, các chợ dân sinh tại thành phố còn là biểu tượng văn hóa - lịch sử lâu đời. Chợ Bến Thành, ra đời từ năm 1914, vẫn là dấu ấn không thể phai trong ngành thương mại và là niềm tự hào của người dân TP Hồ Chí Minh. Sau đó là nhiều chợ lớn khác như Cầu Ông Lãnh, Bình Tây, An Đông... cũng đã ra đời, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân. Hệ thống chợ tại TP. Hồ Chí Minh có đủ phương thức kinh doanh bán buôn, bán lẻ, kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; cùng đa dạng ngành hàng là nông sản thực phẩm, mỹ phẩm, tiểu thủ công nghiệp, vải sợi, kim khí điện máy, hóa chất, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất…

Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng ngày nay khách hàng ngày ngày càng chú trọng hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ rang. Trong khi đó, không thể phủ nhận một điều rằng bên cạnh điều kiện kinh doanh tại rất nhiều chợ đang xuống cấp. Các chợ vẫn còn tình trạng bán không đúng giá niêm yết, hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc rõ ràng bán tràn lan, khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin, quay lưng với chợ truyền thống.

Để khắc phục tình trạng này, Phó Giám đốc Sở Công Thương đề xuất, cần thiết phải có hệ thống các giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ trước hết là phải thay đổi mô hình chợ, nâng cao chất lượng phục vụ tại chợ, hình thành các chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội vào phát triển của hệ thống chợ tại TP.HCM.

Đồng thời, thành phố đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, hiện đại hóa hệ thống chợ, hoàn thiện công năng để đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, phát triển các chợ thành điểm tham quan, mua sắm du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch cho thành phố và các tỉnh phía Nam.

TS. Lê Thị Hải Yến, đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM đưa ra giải pháp, đó là thành phố cần duy trì chợ truyền thống dựa trên những điểm mạnh vốn có như: Giá cả phải chăng, hàng hóa tươi mới, đồng thời cần đẩy mạnh tương tác xã hội trong hoạt động bán hàng như live-stream. Trong quá trình cải tạo, nâng cấp, chợ truyền thống cần gắn với phát triển du lịch, kinh tế đêm. Cải thiện chợ truyền thống về vấn đề vệ sinh, chất lượng hàng hóa.

Theo các chuyên gia, nhìn chung, quá trình phát triển kinh tế nói chung và quá trình phát triển đô thị hóa nói riêng của TPHCM đã có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của chợ. Riêng Quận 1 là quận trung tâm của TPHCM, tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ cao, tập trung nhiều hệ thống phân phối hiện đại, thế nhưng chợ truyền thống Quận 1 vẫn tồn tại và phát triển, mang bản sắc riêng, là di tích văn hóa, là biểu tượng của thành phố, là điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đến TPHCM, trong đó, nổi bật là chợ Bến Thành.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam đang nổi lên là điểm nóng của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới Việt Nam đang nổi lên là điểm nóng của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới

Với nền kinh tế năng động, ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Việt Nam đang nổi lên như một “điểm nóng” về công nghệ thế hệ mới. Gần 100 quỹ đầu tư đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nước, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của giới đầu tư quốc tế.