TP.HCM: Cô giáo trẻ xông pha nơi tâm dịch COVID-19

Xã hội
07:17 PM 07/03/2022

Trong tình hình khốc liệt của đại dịch COVID-19 đang từng ngày, từng giờ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người dân thì tại tổ dân phố 15, khu phố 1, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hường vẫn xông pha nơi tâm dịch, đảm nhận công việc thay mẹ, trong vai trò Tổ trưởng tổ dân phố. Cô gái trẻ thân thương ấy được bà con gọi bằng cái tên trìu mến: "Cô Tổ trưởng dân phố tạm thời".

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hường cho biết: Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở mức cao, người dân đều không được ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết, lúc đó, chú Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng khu phố 1 đến vận động Thanh Hường tham gia vào "Tổ COVID cộng đồng". Thật sự, Thanh Hường rất ngại, vì sợ không giúp gì được, do bản thân chưa tham công tác cộng đồng, ngoài việc dạy học nhưng được sự động viên của chú Hoàng nên Thanh Hường đồng ý. 

Thanh Hường (ngồi trên xe máy) đi gửi thực phẩm cho các hộ dân

Thanh Hường đi gửi thực phẩm cho các hộ dân.

Các công việc lúc đầu của Thanh Hường là đến nơi tập trung theo thông báo của khu phố, nhận lương thực, thực phẩm về trao cho bà con, ưu tiên cho các phòng trọ, công nhân, hộ khó khăn. Những ngày đầu được mẹ hỗ trợ, thông tin hoàn cảnh từng gia đình nên công việc khá thuận lợi và suôn sẻ. Chỉ có điều, càng tham gia công việc ở Tổ dân phố, Thanh Hường càng thấy thương những gia đình, những người buôn bán tự do, công nhân phải thuê phòng trọ... sau những tháng phải nghỉ làm do dịch bệnh, hầu như lương thực, thực phẩm dự trữ đã cạn kiệt. 

Mỗi khi đến trao bó rau, bao gạo... đặc biệt là các trường hợp người lao động đang phải thuê phòng trọ, là niềm vui vỡ òa khi nhận tiền hỗ trợ từ các cấp, các ngành. Người dân đều cảm ơn UBND phường, Ban điều hành khu phố, đã quan tâm và "cô Tổ trưởng tạm thời" đã nhiệt tình đưa đến tận nhà, bất kể thời gian nào, có khi đang ăn cơm nghe gọi là Thanh Hường buông đũa đi ngay. Nhìn nụ cười rạng rỡ, mừng vui của bà con, Thanh Hường cũng thấy vui lây.

Sau 1 thời gian đảm nhận chức Tổ trưởng tạm thời, người dân đã dần quen với dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, xốc vác với công việc và được bà con trong Tổ dân phố yêu thương, ủng hộ. Thế là mỗi buổi chiều, dù trời mưa hay nắng, lúc thì chạy xe gắn máy, lúc thì đi bộ, Thanh Hường vẫn trao những ổ bánh mì đến từng người đang gặp khó khăn.

Chị Phượng ở số 43 Lương Trúc Đàm), sau khi nhận được tiền hỗ trợ đã cảm ơn và có nguyện vọng dùng phần tiền được hỗ trợ mua bột làm bánh mì trao cho bà con trong tổ. Tình cảm đã được lan tỏa trong tổ dân phố 15, có thêm nhiều người ủng hộ tiền mua bột làm bánh mì hỗ trợ người dân. Vậy là chương trình mang bánh mì đến cho người dân trong tổ được kéo dài đến hết mùa dịch. Không chỉ vậy, cô Thảo số 73 Lương Trúc Đàm, cũng tự nguyện ủng hộ tiền, lương thực, thực phẩm cho những người dân trong tổ, đã giúp cho họ phần nào vượt qua trong giai đoạn khốc liệt này, với 13 phần quà và tiền. Anh Hưng, số 67B Lương Trúc Đàm, anh Đức, số 67 Lương Trúc Đàm... ủng hộ thực phẩm cho bà con trong tổ, niềm vui luôn được nhân lên từ những tấm lòng luôn quan tâm, sẻ chia, một miếng khi đói bằng một gói khi no, đến người khó khăn trong đại dịch.

Thanh Hường (ngoài cùng bên phải) tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19

Thanh Hường (ngoài cùng bên phải) tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19

Khi đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp thì thông tin được chích ngừa vắc xin như một tin mừng với đa số người dân nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít người tỏ ra nghi ngờ, lo lắng, họ theo dõi những thông tin không chính thống nên nhất định không đi chích ngừa. Đây là lúc khó khăn nhất, vì không thể gặp trực tiếp người dân để giải thích, gọi điện thoại thì lúc nghe, lúc không nghe, Thanh Hường tìm hiểu các thông tin chính thống về tiêm ngừa và bắt đầu kiên trì vận động, giải thích những lợi ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng khi được tiêm vắc-xin. 

Có những người lớn tuổi vẫn còn hoang mang nên gọi điện hỏi thêm những thông tin về chích vắc-xin, sau mấy lần giải thích, mới đồng ý đăng ký đi tiêm, từ đó người dân trong Tổ 15 yên tâm đi chích ngừa với tỷ lệ rất cao.

Nguyễn Thị Thanh Hường kể lại: Trong cao điểm của đại dịch COVID-19 thì Tết Trung thu đang đến gần, không lẽ để các em thiếu nhi ngồi nhà ngắm vầng trăng lẻ loi, không lồng đèn, không bánh... thật thương cho các em. Lúc đó, ông Nguyễn Thanh Phương (ba Thanh Hường) đã đưa ra sáng kiến là dành phần lương hưu ít ỏi cùng chị Phượng (người làm bánh mì, số 43 Lương Trúc Đàm), chuyển sang làm bánh Trung thu, không lấy phí, để mang đến cho các cháu thiếu nhi những chiếc bánh xinh xinh trong mùa Trung thu năm 2021. 

Cô giáo Thanh Hường (áo thun, đứng giữa) trao quà Trung thu cho các em nhỏ.

Cô giáo Thanh Hường (áo thun, đứng giữa) trao quà Trung thu cho các em nhỏ.

Biết được chuyện này, anh Hưng ở số 67B Lương Trúc Đàm nhận thấy chỉ có trẻ em nhận được bánh, còn những gia đình không có trẻ em thì chỉ nhìn bánh Trung thu qua Group của Tổ 15 nên anh đã liên lạc và ủng hộ để làm thêm bánh, trao tặng những gia đình nào chưa có bánh. Như vậy, tình yêu thương và sự quan tâm đã thật sự được lan tỏa và Thanh Hường cảm thấy rất vui, vì xung quanh ta, trong lúc khó khăn, hoạn nạn luôn luôn có những tấm lòng nhân ái.

Khi đại dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát, mọi sinh hoạt trở về trạng thái bình thường mới nhưng hình ảnh cô "Tổ trưởng tổ dân phố tạm thời" với vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, xông pha nơi tâm dịch, hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia, trao những phần quà ấm áp nghĩa tình... rất khó quên với người dân Tổ 15, khu phố 1, phường Hiệp Tân.

Minh Yến
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.