TP.HCM có thể thí điểm mở lại trường học tại 3 quận, huyện 'xanh' sắp tới không?
Chiều ngày 16/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã tiến hành buổi họp báo cung cấp các thông tin, tuyên truyền về phòng chống Covid-19 trên địa bàn, trong ngày đầu tiên của “giai đoạn đệm” 16/9-30/9.
Một trong các vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất hiện tại là liên quan đến giáo dục, cụ thể hình thức triển khai học tập của các học sinh trên địa bàn thành phố. Trong buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, ông Dương Trí Dũng đã trả lời câu hỏi về việc thí điểm mở lại trường học tại Quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi trong thời gian tới.
Đây đều là các nơi đã được công bố kiểm soát được dịch và đang nới lỏng nhiều hoạt động kinh tế, xã hội. Trả lời về vấn đề này, ông Dương Trí Dũng cho biết, phía Sở luôn coi việc đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên là trên hết.
Hiện nay, Sở GD&ĐT TP.HCM đã trình lên UBND Thành phố bộ tiêu chí an toàn của ngành giáo dục và đang chờ thông qua. Theo đó, các tiêu chí đều bám sát mục tiêu an toàn và tận dụng thời gian đảm bảo an toàn, nhằm triển khai giáo dục trực tiếp giúp học sinh đảm bảo chương trình tốt nhất.
Còn đối với những học sinh đang bị kẹt ở các tỉnh thành khác chưa về được TP.HCM, ông Dương Trí Dũng cho biết thêm: "Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo, học sinh có thể liên hệ với đơn vị sở tại, Sở Giáo dục các tỉnh để học trực tiếp tại tỉnh, hoặc có thể học online theo chương trình của Thành phố".
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, phát biểu về tình hình giáo dục trên tại TP.HCM Ảnh: Khang Minh
Trước đó, trong chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” số ngày 13/9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Lê Hòa Bình cũng có những phát biểu về vấn đề đi học lại của học sinh trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại Bộ Y tế vẫn chưa có quy định tiêm vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi nên nhóm đối tượng này sẽ chưa được cấp thẻ xanh, thẻ vàng Covid trong thời gian tới. Hiện tại, học sinh TP.HCM vẫn đang học online và sẽ tiếp tục duy trì hình thức này trong thời gian tới.
Ông Lê Hòa Bình đã nhấn mạnh rằng: "Cho đến thời điểm này ngành giáo dục của Thành phố cũng đang xây dựng 1 chiến lược dài hơi để khi nào mở cửa lại trường lớp".
Điều đó cho thấy bên cạnh vấn đề dần mở cửa kinh tế, TP.HCM cũng hết sức thận trọng và quan tâm về việc quay lại trường lớp của các em học sinh.
Cũng trong buổi họp báo chiều 16/9, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết mới đầu có 75.000 em học sinh còn gặp khó khăn về thiết bị đường truyền và điều kiện kết nối giữa gia đình và nhà trường. Song, nhờ sự giúp đỡ từ cộng đồng, con số này giảm xuống 40.000 sau hơn 1 tuần học trực tuyến.
Hiện nay, các chương trình "Sóng và máy tính cho em” của Chính phủ cùng với các chương trình của thành phố và địa phương đã tiếp cận được nhiều em học sinh còn gặp khó khăn trong quá trình học trực tuyến. Sắp tới, phía Sở cũng kỳ vọng rằng, nhờ có các chương trình này mà số trường hợp học sinh gặp khó khăn sẽ giảm đi nhiều để các em có thể tham gia học tập đầy đủ.
Cuối cùng, ông Dương Trí Dũng phát biểu thêm: "Song song đó, Sở vẫn đẩy mạnh các biện pháp học tập qua đài truyền hình, chăm sóc của nhà trường, hỗ trợ chuyên môn từ các giáo viên chủ nhiệm, nội dung chuyên đề để đảm bảo các em học sinh vẫn được tiếp cận chương trình một cách tốt nhất".
Đặng SơnTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.