TP.HCM đề ra 3 trụ cột phục hồi kinh tế, tăng nguồn thu từ đất... để giải bài toán thiếu hụt ngân sách
Ngày 12/10/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đưa ra 3 chiến lược trụ cột để giúp TP.HCM hồi phục lại nền kinh tế.
Chiều 12/10/2021, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM trong thời gian tới.
TP.HCM khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, các chốt kiểm soát nội thành đã được tháo gỡ, từng bước chuyển sang trạng thái "bình thường mới". Số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa trở lại có xu hướng tăng dần, tình hình kinh tế dần được cải thiện, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Dương Anh Đức thông tin, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống của người dân và doanh nghiệp. Nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, đứt gãy, công nhân phải nghỉ việc, các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, hàng không chịu ảnh hưởng lớn.
Về việc làm, hàng triệu người lao động bị mất việc, không có việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm nên ảnh hưởng đến thu nhập, đến sinh kế và đảm bảo cuộc sống hàng ngày.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh trong quý 3, giảm 24,39% so với cùng kỳ.
Do đó, GRDP 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ. TP.HCM dự báo GRDP cả năm 2021 sẽ giảm 5,06% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu đề ra.
Tuy vậy, ông Dương Anh Đức cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng một số nhiệm vụ, chỉ tiêu 9 tháng đầu năm vẫn cơ bản hoàn thành và là điểm sáng đáng ghi nhận.
Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 75% dự toán, tăng 7,96% so với cùng kỳ. Các dịch vụ ngân hàng đều duy trì hoạt động và tăng trưởng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.045.000 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2020. Giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao TPHCM ước đạt 16,215 tỷ USD tăng, 12,51% so với cùng kỳ.
3 trụ cột phục hồi
Phát biểu tại buổi giám sát, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, UBND thành phố thời gian vừa qua đã tập trung xây dựng chiến lược và phục hồi kinh tế trong tình hình mới theo Nghị quyết số 05.
Trong chiến lược này, có 11 chiến lược thành phần, thành phố đang hoàn thiện và cùng xây dựng kế hoạch, triển khai và bổ sung nội dung về tổng kết, đánh giá, rút ra bài học về phòng, chống dịch vừa qua. Từ đó, TP.HCM xây dựng phương án tổng thể về phòng, chống dịch trong thời gian tới. Dự kiến, phương án sẽ được hoàn thành trong tháng 10.
Nói về chiến lược trụ cột để phục hồi kinh tế của TP.HCM, ông Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM xác định trụ cột đầu tiên là y tế. Trong đó, thành phố tập trung xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo dịch, các cơ sở dữ liệu phòng, chống dịch.
Thành phố tập trung củng cố hệ thống y tế cơ sở, làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung và điều trị F0 từ sớm. Trong quá trình hoàn thiện, TP.HCM sẽ tập trung cả 3 trụ cột là y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi gắn với việc điều trị theo mô hình 3 tầng.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp các ngành, khẩn trương hoàn thiện trụ cột quan trọng là phòng chống dịch. Liên quan việc này, TP.HCM cũng sẽ giải quyết những bất cập cho bộ máy y tế cơ sở… phục vụ công tác quản lý, phòng, chống dịch.
Trụ cột thứ 2 được thành phố đặt trọng tâm tiếp theo là an sinh xã hội, tiếp tục triển khai các hoạt động chăm lo cho người dân.
Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Khi kinh tế đang phục hồi, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có việc làm, chưa có thu nhập. Và Tết sắp tới đây sẽ là cái Tết rất khó khăn của bà con".
Ông Phan Văn Mãi cho biết, từ tuần sau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Hội Phụ nữ thành phố phối hợp Hội Doanh nhân trẻ, sẽ triển khai gói chăm lo cho hơn 1.000 trẻ em mồ côi. TP.HCM cũng triển khai thêm chương trình nhà ở giá rẻ, tạo cơ hội cho người dân có thu nhập thấp được tiếp cận giá phù hợp.
Nói về trụ cột thứ 3 về phục hồi kinh tế, theo Chủ tịch UBND TP.HCM, đã giao Viện phát triển thành phố cùng các sở, ngành triển khai chương trình phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời, mong các cơ quan trung ương phối hợp hỗ trợ giúp thành phố trong việc xây dựng chương trình này.
TP.HCM dự kiến khai thác nguồn thu từ đất... bổ sung vào ngân sách
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin, dịch bệnh khiến thu ngân sách của thành phố giảm dần từ tháng 5, 6 và giảm mạnh trong tháng 8, 9.
9 tháng đầu năm 2021, TP.HCM thu ngân sách hơn 271.600 tỷ đồng, đạt gần 75% dự toán. Bên cạnh đó, nhu cầu kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho người dân phát sinh tăng cao và cấp bách, tạo áp lực lớn đến khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Đến thời điểm hiện nay, thành phố cân đối và bổ sung cho công tác phòng, chống dịch, thực hiện các chính sách hỗ trợ ở địa bàn trên 11.000 tỷ đồng.
Để bổ sung cân đối ngân sách năm 2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, chính quyền tập trung vào các giải pháp như: tăng cường quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu; khai thác nguồn thu từ đất để tạo nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế đối với các khoản tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp và các khoản thu liên quan về đất.
Các giải pháp về chi, thành phố xác định sẽ điều hành dự toán chi ngân sách chặt chẽ theo đúng dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; cắt giảm 10% chi thường xuyên, các khoản chi dự kiến không triển khai, giảm hệ số thu nhập tăng thêm của cán bộ công chức, viên chức... để dành nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch và triển khai các chính sách an sinh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do đại dịch, thành phố kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Hồng NhuậnKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.