TP.HCM: Đề xuất ba phương án cho 'siêu' phố đi bộ
Sở GTVT TP.HCM đang lấy ý kiến các sở, ngành góp ý cho đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm Thành phố.
Khu vực được nghiên cứu bao gồm đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Quách Thị Trang, Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà.
Đề án do Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ Thành phố (TTQLHTGT) làm chủ đầu tư. Mục tiêu chính là nghiên cứu để tiến hành đi bộ hóa một số tuyến đường khu trung tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu (930 ha).
Qua khảo sát, TTQLHTGT đề xuất 3 phương án:
Phương án 1 - Phố đi bộ vào ngày cuối tuần cho Q.1 với một mạng lưới bao gồm phần lớn khu vực nghiên cứu nhưng chỉ cấm các phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường.
Phương án 2 - Phố đi bộ ưu tiên cho đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách - Mạng lưới đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần, cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần.
Phương án 3 - Phố đi bộ 24/7 ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi và các đường liên kết là những con đường dành riêng cho người đi bộ. Cùng với mỗi phương án sẽ xây dựng bố trí giao thông, bố trí các tuyến xe buýt và cải thiện cơ sở hạ tầng tương ứng.
Kết quả so sánh ba phương án về độ an toàn và bảo mật, sự hấp dẫn, nhu cầu, kết nối, ủng hộ của cộng đồng thì phương án 2 có tổng điểm cao nhất.
Lý giải nguyên nhân chọn khu vực trung tâm Q.1 để quy hoạch xây dựng phố đi bộ, TTQLHTGT cho biết: Thứ nhất, mạng lưới giao thông tại khu vực này có hình vuông đặc trưng (grid-system), các mô hình kinh doanh chủ yếu là hỗn hợp bán lẻ, cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng, chợ truyền thống và hiện đại. Khu vực này có diện tích xấp xỉ 300 ha với mạng lưới đường trục và đường phụ phức tạp.
Thứ hai, nhu cầu đi bộ tại khu vực này khá cao. Cụ thể, theo Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Thành phố sẽ có 8 tuyến tàu điện (metro) và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 160 km. Các tuyến này đi xuyên tâm và vành khuyên để kết nối các trung tâm của Thành phố. Đến năm 2025, khi các tuyến metro số 1 và 2, tuyến xe điện mặt đất số 1 đi vào hoạt động thì khu vực nhà ga chợ Bến Thành sẽ là điểm đầu mối giao thông công cộng, dự báo có khoảng 800.000 đến 1,2 triệu khách bộ hành đi và đến nhà ga này. Ngoài ra, ga Nhà hát Thành phố và ga Hàm Nghi cũng là các điểm phát sinh thu hút chuyến đi bộ khá lớn.
Bên cạnh đó, khu vực trung tâm Thành phố là nơi tập trung xuất phát đa số các tuyến xe buýt. Trong khu vực nghiên cứu có 50 tuyến buýt, hai bến chính là chợ Bến Thành và công viên 23.9, mật độ các trạm dừng dày đặc.
Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM nghiên cứu hình thành một “siêu” phố đi bộ tại khu vực trung tâm. Đề án này đã được Sở GTVT xây dựng kế hoạch từ đầu năm 2017 với không gian đi bộ trên 8 tuyến đường: Đồng Khởi, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Đức Thắng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần và Trần Cao Vân.
Tiếp đó, cuối năm 2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố cũng đề xuất xây dựng trục đường Lê Lợi tiếp nối trục đi bộ Nguyễn Huệ, chuyển thành các phố thương mại, mua sắm, kết hợp với vòng xoay trước chợ Bến Thành để hình thành quảng trường đi bộ.
Tuy nhiên, cả 2 đề xuất này đều không nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia quy hoạch do lo ngại không khả thi về tổ chức giao thông.
Hoàng MaiDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.