TP.HCM: Điều chỉnh giá trứng gia cầm thuộc chương trình bình ổn giá

Thị trường
10:13 AM 15/06/2022

Sở Tài chính TP.HCM và một số sở, ngành liên quan đã thống nhất điều chỉnh giá trứng gia cầm thuộc chương trình bình ổn giá tăng thêm 2.000 đồng/10 trứng.

Theo đó, kể từ ngày 15/6/2022 giá các mặt hàng trứng gà loại 1 sẽ điều chỉnh tăng từ 29.500 đồng/chục lên mức 31.500 đồng/chục (tăng 2.000 đồng, tương đương 6,78%). Đối với trứng vịt loại 1 cũng điều chỉnh tăng từ 35.000 đồng lên 37.000 đồng/chục (tăng 2.000 đồng).

Theo mức giá được điều chỉnh do Sở Tài chính TP HCM công bố, các doanh nghiệp đang tham gia bình ổn thị trường mặt hàng trứng gia cầm tại TP HCM gồm: Công ty CP Ba Huân, Công ty TNHH MTV HN-PT Đông Hưng, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op).

Từ 15/6, TP.HCM tăng giá trứng bình ổn 2.000 đồng/chục - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Như vậy, với đợt điều chỉnh tăng giá này thì giá trứng gia cầm tham gia bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng tổng cộng trên 12% so với năm 2021 bởi trước đó, TP. Hồ Chí Minh đã điều tăng giá trứng gia cầm với mức tăng từ 6-7%. Ở đợt điều chỉnh tăng giá đầu tiên, trứng gà đã tăng lên 29.500 đồng/chục (giá cũ 28.000 đồng) và trứng vịt tăng lên 35.000 đồng/chục (giá cũ 33.000 đồng).

Trong thời gian gần đây giá trứng gia cầm tăng kỷ lục, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường của TP HCM đã có văn bản đề xuất Sở Tài chính xem xét cho điều chỉnh tăng giá 2.000 đồng/chục. 

Lý do, theo các doanh nghiệp, các chi phí đầu vào (thức ăn chăn nuôi, hộp nhựa, bao bì, lương công nhân, xăng dầu…) đồng loạt tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó các doanh nghiệp đề nghị được điều chỉnh tăng giá trứng gà, trứng vịt để bù đắp chi phí, tiếp tục cầm cự hoạt động. 

Giá bán trứng trong chương trình bình ổn thị trường đang thấp hơn giá thành của doanh nghiệp và thấp hơn giá bán sản phẩm cùng loại ở thị trường bên ngoài khoảng 12%-15%. Vì mức chênh lệch khá lớn này mà lượng trứng tiêu thụ ở kênh siêu thị (trong chương trình bình ổn thị trường) tăng mạnh, đã có siêu thị buộc phải áp dụng giải pháp tức thời để hạn chế tình trạng mua gom.

Trao đổi với báo chí trong cuộc họp cung cấp thông tin mới đây, lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã cho biết, thị trường trứng gia cầm hiện không thiếu hàng, tuy nhiên vấn đề lo ngại nhất là giá cả. Cụ thể, sau đại dịch, các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trên toàn cầu, đặc biệt nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất bị đứt gãy, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. 

Trong bối cảnh này, giá thức ăn chăn nuôi lẫn chi phí vận chuyển đều tăng cao, trong khi giá trứng trong chương trình bình ổn của thành phố vẫn được giữ xuyên suốt. Do đó giá trứng buộc tăng lên theo quy luật. Tuy vậy, lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định, dù điều chỉnh tăng song vẫn đảm bảo mức thấp hơn so với giá trứng bán ngoài chương trình bình ổn. Ngoài bán giá nêu trên, các doanh nghiệp được quyền thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá phù hợp với tình hình thị trường.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34%

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tín dụng tháng 3/2024 đã tăng trở lại sau 2 tháng đầu năm giảm do yếu tố quy luật. Tính đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.