TP.HCM điều chỉnh giảm 386 tỷ đồng vốn kích cầu đầu tư

Tài chính - Đầu tư
10:04 AM 31/03/2024

Năm 2024, TP.HCM điều chỉnh giảm 386 tỷ đồng vốn Chương trình kích cầu đầu tư từ 708 tỷ đồng xuống còn 322 tỷ đồng.

Chương trình kích cầu đầu tư là một trong những chính sách đặc thù của TP.HCM nhằm khuyến khích doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên, then chốt như: kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, xử lý môi trường, công nghiệp hỗ trợ, logistics, khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và dự án xây dựng thành phố thông minh...

TP.HCM điều chỉnh giảm 386 tỷ đồng vốn kích cầu đầu tư- Ảnh 1.

Nhờ nguồn vốn của chương trình cho vay kích cầu đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã ổn định sản xuất và phát triển bền vững. Ảnh: Chính Phủ

Thành phố sẽ hỗ trợ theo tỉ lệ phần trăm lãi vay cho dự án của DN, tùy theo lĩnh vực đầu tư với hạn mức tối đa 100 tỷ đồng/dự án, thời gian bù lãi vay không quá 7 năm.

Theo đó, cuối năm 2023, UBND TP.HCM giao kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó bố trí kế hoạch vốn cho Chương trình kích cầu đầu tư là 708 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi rà soát các dự án trên cơ sở đề xuất của các chủ đầu tư tham gia Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có Tờ trình số 3489/TTr-SKHĐT gửi UBND thành phố về giao kế hoạch đầu tư công năm 2024 cho Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giảm 386 tỷ đồng vốn dành cho chương trình này. Song mới đây, ngày 14/3/2024, Hội đồng nhân dân thành phố có Nghị quyết số 22/NQ-HĐND về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó chấp thuận điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 cho Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố chỉ còn 322 tỷ đồng.

Như vậy số vốn còn lại cho Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố năm 2024 là 322 tỷ đồng.

Chương trình kích cầu đầu tư được TP.HCM thực hiện 20 năm qua, nhưng bị gián đoạn từ năm 2021. Đến cuối năm 2023, TP.HCM đã khởi động lại chương trình này theo Nghị quyết 98 được kỳ vọng tạo “động lực” mới hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành phố trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN đang có nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại, đơn hàng ổn định. Các DN đã bắt đầu lên kế hoạch dự trữ nguyên liệu, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mở rộng nhà xưởng… để nắm bắt thời cơ mới.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn