TP.HCM: Dự kiến đầu tư 650 tỷ đồng làm điện mặt trời ở trụ sở công

Tài chính - Đầu tư
10:35 AM 17/05/2024

TP.HCM đề xuất chi 650 tỷ đồng để lắp điện mặt trời áp mái 440 trụ sở công trên địa bàn với tổng công suất hơn 43 MWp.

Nội dung được ông Nguyễn Phương Duy, Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương cho biết tại họp báo về kinh tế, xã hội TP.HCM, chiều 16/5.

Đây là giai đoạn 1 của đề án thí điểm đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở công, thực hiện theo Nghị quyết 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Giải pháp này giúp thành phố tăng nguồn tại chỗ, giảm phụ thuộc vào điện lưới.

TP.HCM: Dự kiến đầu tư 650 tỷ đồng làm điện mặt trời ở trụ sở công- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, tổng số trụ sở các cơ quan, đơn vị là 440 trụ sở với tổng công suất lắp đặt khoảng 43,312 MWp, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 650 tỷ đồng (số lượng trụ sở, công suất lắp đặt và tổng mức đầu tư sẽ được chuẩn xác trong quá trình lập dự án đầu tư), bao gồm: Trụ sở các đơn vị Quân đội: 65 trụ sở với tổng công suất 5,4MWp; trụ sở các đơn vị Công an: 72 trụ sở với tổng công suất 6,529MWp; trụ sở bệnh viện trọng điểm: 57 trụ sở với tổng công suất 9,588MWp; trụ sở các sở ban ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị khác: 246 trụ sở với công suất 21,795 MWp.

Thời gian thu hồi vốn hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 5-7 năm, thông qua việc giảm chi phí chi thường xuyên để thanh toán tiền điện của các cơ quan, đơn vị.

Đối chiếu với tuổi thọ hệ thống pin khoảng trên 20 năm, Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng cho rằng việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Thời gian qua, TP.HCM cũng đã tổ chức thí điểm lắp điện mặt trời áp mái tại một số trụ sở cơ quan hành chính và đã mang lại hiệu quả nhất định.

Đơn cử như tại trụ sở Sở Công thương, hệ thống lắp đặt có công suất 21 kWp với chi phí đầu tư khoảng 550 triệu đồng.

Trước khi có hệ thống này, tiền điện phải đóng năm 2020 là 344 triệu đồng. Sau khi có hệ thống thì tiền điện năm 2021 và năm 2022 còn lần lượt 200 triệu và 214 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm tiết kiệm được khoảng 130 triệu đồng.

Hay ở UBND quận 3, hệ thống với công suất 31,04 kWp có chi phí đầu tư khoảng 750 triệu đồng. Sau khi lắp, mỗi năm UBND quận 3 tiết kiệm được 93 triệu đồng.

Tính toán của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy, thành phố có tiềm năng phát triển loại nguồn điện này khoảng 5.081 MW đến năm 2030. Trong đó, công suất có thể lắp tại các cơ quan hành chính sự nghiệp là hơn 166 MW.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.