TP.HCM: Học viện Tư pháp phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Hướng về Lễ kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), mới đây, Công đoàn Học viện Tư pháp, Cơ sở tại TP Hồ Chí Minh đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bến Tre.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính và với lòng biết ơn vô hạn, Đoàn công tác đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ - những người con trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã hiến trọn tuổi thanh xuân, máu xương vì độc lập, tự do cho đất nước và hạnh phúc của Nhân dân, hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bến Tre.
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), hướng tới kỷ niệm 27 năm xây dựng và phát triển Học viện Tư pháp (25/2/2004 - 25/2/2025) và kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển Cơ sở tại TP Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp (22/9/2004 - 22/9/2024), tuổi trẻ, giảng viên và học viên Học Viện Tư Pháp - Bộ Tư Pháp tại Cơ sở TP Hồ Chí Minh đã hội tụ về đây để dâng những nén hương thơm và vòng hoa tươi thắm kính dâng lên anh linh các anh hùng liệt sĩ; thể hiện sự tri ân sâu sắc các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, tuổi xuân dâng trọn đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc; cho hạnh phúc của nhân dân.
Ông Võ Xuân Cường, Chủ tịch Công đoàn Học viện Tư pháp cơ sở tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là dịp để chúng ta tự nghĩ về trách nhiệm của mình với quê hương đất nước, để mỗi chúng ta biết vượt lên chính mình; hãy làm một việc thiết thực nhất cho bản thân, nhiệm vụ chính trị đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp cho quê hương đất nước, để góp phần xây dựng một nước Việt Nam vững mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, giàu đẹp, hoà bình mà các thế hệ cha anh trước lúc hy sinh luôn hằng mong ước.
Để ghi nhớ công lao to lớn đó, mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ - những thế hệ đang học tập, làm việc và cống hiến trên đất nước này luôn phải khắc ghi những hi sinh, những mất mát mà thế hệ cha anh đã trải qua để mang lại độc lập, tự do, mang lại một môi trường hòa bình cho chúng ta ngày hôm nay.
Thời gian tới, chúng ta càng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, càng đi sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế thì việc bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc càng là vấn đề cấp thiết. Trong đó, có đạo lý truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây". Ðây còn là việc làm tốt nhất nhằm giáo dục toàn Ðảng, toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" là giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trong những năm qua, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" được thông qua bằng các hoạt động kỷ niệm, thăm hỏi, tặng nhà chính sách, tặng quà, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục ghi nhận, tôn vinh các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.
Công đoàn Học viện Tư pháp đã phối hợp với Ban lãnh đạo Công an huyện Châu Thành trao 4 suất quà cho các Mẹ VNAH; 75 suất quà, gồm tiền mặt và hiện vật cho các gia đình thương binh - liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; trẻ em mồ côi, neo đơn hiếu học ở 3 xã Thành Triệu, An Khánh, Tân Thạch huyện Châu Thành (mỗi xã 25 suất quà).
Đến thăm các Mẹ VNAH, ông Nguyễn Trường Thiệp, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, mất mát của Mẹ VNAH, tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, động viên tinh thần các Mẹ, mong các Mẹ sống vui, sống khỏe, luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước có được độc lập tự do như ngày hôm nay là nhờ vào những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của các Mẹ VNAH. Bởi vậy, việc thực hiện tốt các hoạt động thăm hỏi, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng là một hành động vô cùng ý nghĩa, động viên các Mẹ về tinh thần, giúp cho các Mẹ vơi bớt đi những nỗi đau, sống vui, sống khỏe, tiếp tục giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng xây dựng quê hương giàu đẹp.
Có thể nói, xã hội càng hiện đại, kinh tế - xã hội càng phát triển thì yêu cầu về phát triển văn hóa, văn minh tinh thần càng cấp bách hơn bao giờ hết. Ðiều này nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm rất lớn lao trong công tác đền ơn đáp nghĩa nói riêng, trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp văn hóa dân tộc nói chung. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, quan tâm và chăm lo cho người có công với cách mạng, các gia đình chính sách, xứng đáng với truyền thống quê hương và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.
Giữa những ngày "Tháng Bảy tri ân", Tổ quốc ta, Nhân dân ta, thầy và trò Học viện Tư pháp đời đời nhớ ơn và ghi sâu công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công với nước trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Hồng ÂnViệt Nam có thể đạt được mục tiêu 10 tỷ phú USD vào năm 2030 nếu chúng ta triển khai các giải pháp đồng bộ và quyết liệt.