TP.HCM: Hơn 80% phụ huynh tiểu học đăng ký cho con đến trường

Giáo dục
10:45 AM 09/02/2022

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, đến thời điểm này đã có hơn 80% phụ huynh tiểu học (lớp 1, 2, 3, 4, 5) đăng ký cho con đi học trực tiếp từ ngày 14/2.

Theo kế hoạch, ngày 14/2 mới đón học sinh trở lại trường học tập nhưng do mong muốn của phụ huynh cũng như đã chuẩn bị kỹ các phương án đảm bảo an toàn, nhiều trường đã chủ động đón học sinh từ ngày 7/2.

Theo Sở GD&ĐT, đợt đi học lại lần này ngành GD&ĐT thành phố không tổ chức khảo sát ý kiến phụ huynh. Chỉ khi UBND TP.HCM có quyết định cho học sinh từ mầm non đến lớp 6 đi học lại từ ngày 14/2 thì các trường tiểu học mới cho phụ huynh đăng ký để sắp xếp lớp học trực tiếp cho phù hợp.

Khoảng gần 20% phụ huynh học sinh tiểu học chưa đăng ký cho con em đi học lại không đăng ký được xác định vì nhiều lý do như còn lo lắng về dịch COVID-19, hiện đang ở các tỉnh chưa trở lại TP.HCM… Từ trước Tết nguyên đán nhiều trường tiểu học ở TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến về việc học sinh đi học trực tiếp sau Tết với các dữ liệu hiện học sinh đang cư trú ở đâu, đồng ý học sinh trực tiếp đi học sau Tết Nguyên đán hay không…

TP.HCM: Hơn 80% phụ huynh tiểu học đăng ký cho con đến trường - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học ở TP.HCM học trực tiếp trước khi có dịch COVID-19

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng hiện tại đây là thời điểm chín muồi để cho trẻ đi học lại, sau nhiều tháng các em phải ở nhà học online.

Ông Hiếu phân tích: "Căn cứ đầu tiên để cho trẻ đi học lại là tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã và đang được kiểm soát tốt, 5 tuần liên tiếp gần đây thành phố đều được xác định là vùng dịch mức độ 1. Hiện gần như toàn bộ người dân TP.HCM từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19, thậm chí nhiều người đã tiêm mũi 3.

Tuy nhiên, vấn đề bức thiết hơn cả chính là thực trạng học sinh học trực tuyến trong thời gian dài đã phát sinh các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong đó, những nguy cơ như thừa cân, béo phì do hạn chế vận động; nguy cơ bị tật khúc xạ, ù tai… do thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử, đeo tai nghe; các nhà tâm lý còn cảnh báo trẻ có thể bị "hội chứng trong phòng kín" khi phải ở trong nhà quá lâu: trẻ nghiện game, nghiện máy tính, không muốn đi ra ngoài, không muốn tiếp xúc, trao đổi với mọi người xung quanh…

Đó là chưa kể khi tất cả trẻ em và học sinh trong độ tuổi mầm non, tiểu học và lớp 6 chưa đến trường học tập trực tiếp (trừ học sinh tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã đi học từ cuối năm 2021) sẽ khiến một lực lượng lớn lao động là phụ huynh cũng chưa thể tham gia lao động trực tiếp do phải ở nhà chăm trẻ.

Hơn thế nữa, năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1, 2 và lớp 6. Vì vậy, việc kéo dài thời gian học trên Internet của học sinh các lớp này gây khó khăn không chỉ cho giáo viên, học sinh, phụ huynh mà còn ảnh hưởng đến việc đảm bảo chất lượng nội dung chương trình".

Hiện học sinh lớp 7/12 ở TP.HCM đã học trực tiếp. Các lớp 1 đến 6 vẫn học trực tuyến theo chương trình năm học, hiện đang ở tuần thứ 2 của học kỳ II. Theo kế hoạch trẻ em thuộc khối giáo dục mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học tập trực tiếp từ ngày 7/2 trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và học sinh.

Từ ngày 10/2 đến 13/2 các cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh học sinh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ; tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường; tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học.

Từ ngày 14/2, tổ chức đón trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường, sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường, học tập trực tiếp.

Trường hợp cha mẹ học sinh chưa đồng thuận cho học sinh (từ lớp 1 đến lớp 6) đến trường học tập trực tiếp, học sinh tiếp tục học trên môi trường Internet, trên truyền hình, giao bài tự học theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn
Giá xăng dầu trong nước ngày mai được dự báo biến động trái chiều Giá xăng dầu trong nước ngày mai được dự báo biến động trái chiều

Trong kỳ điều hành ngày mai (19/9), giá xăng dầu trong nước được dự báo biến động trái chiều. Cụ thể, giá xăng có thể tăng khoảng 150-300 đồng/lít, còn dầu diesel có thể giảm khoảng 100-200 đồng/lít.