TP.HCM không thể phục hồi kinh tế dựa vào cấu trúc hiện nay

Đầu tư và Tiếp thị
10:42 AM 17/10/2021

Tại Hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022- 2025”, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP.HCM khẳng định, thời điểm này, TP.HCM hoàn toàn có thể mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế

Ngày 16/10/2021, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022- 2025" với sự tham gia của lãnh đạo thành phố, các chuyên gia y tế, kinh tế, xã hội trong nước.

Hội thảo nhằm tiếp tục chuẩn bị cho dự thảo "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022- 2025" dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10 này.

TP.HCM phải là nơi phục hồi kinh tế sớm nhất

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thành – Đại học Fulbright khẳng định, trong điều kiện hiện nay, thành phố phải là nơi phục hồi kinh tế sớm nhất. Cùng với chính sách của quốc gia thì TP.HCM cũng chủ động có chính sách mở cửa lại kinh tế.

Ông Thành cho biết thêm: "Thực tế hiện nay là mặc dù có tác động của chủng Delta nhưng những nước nào tiêm đủ vaccine, tiêm trên 60%, đã mở cửa thì kiên định không đóng lại. Cho dù số ca mắc có tăng lên nhưng kiểm soát được tỷ lệ ca chuyển nặng, ca tử vong".

Phục hồi kinh tế thì không thể dùng cơ chế hiện nay

Theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Luật, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, COVID-19 tác động nghiêm trọng đến kinh tế TP.HCM. Cụ thể, tăng trưởng diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2021 ở tất cả các ngành đạt 5,46%, tăng gấp ba lần so với 6 tháng đầu năm 2020. GRDP 6 tháng đầu năm đạt 680.328 tỷ đồng theo giá hiện hành, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 lần 4 khiến cho từ tháng 7/2021, ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tháng 8/2021, doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm sâu, xuất nhập khẩu giảm mạnh, từng ngày.

Tín hiệu tích cực xuất hiện trong tháng 9/2021 khi mức độ suy giảm đã chậm lại, ở tất cả các ngành, nhưng quy mô nền kinh tế đang vận hành chưa đạt 50%, so với trạng thái bình thường ở thời điểm cùng kỳ năm 2020. Giãn cách xã hội thời gian dài đã làm suy kiệt năng lực tài chính của doanh nghiệp nên cần chính sách hỗ trợ sớm.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, đối với chính sách tài khoá, ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng rất nhỏ, chỉ ở mức 1,9% GDP. Nên gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể xem xét lên đến 250.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP.

TP.HCM phục hồi kinh tế không thể nằm ngoài chính sách của quốc gia, và thành phố cần được tạo điều kiện bằng những chính sách về tài chính, an sinh xã hội, y tế…. Đồng thời, chính thành phố cũng cần chủ động có những chính sách riêng của mình.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh khẳng định, sự chậm trễ trong ban hành chính sách gây ra tổn thất không thua kém so với tổn thất từ COVID-19. Phục hồi kinh tế thì không thể dựa trên cấu trúc hiện nay, mà bắt buộc phải dựa trên nền tảng của mô hình mới, cấu trúc mới, tư duy mới. Chúng ta phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc ra quyết định. TP.HCM nếu quan tâm thì có hệ thống chính sách riêng của mình thì tin tưởng rằng kinh tế sẽ phục hồi nhanh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, TP.HCM chưa bao giờ gặp khó khăn, chịu sự tác động nặng nề về kinh tế - xã hội như hiện nay.

TP.HCM đã và đang bị tổn thương nặng nề, cộng dồn với những điểm nghẽn, bất cập trong thời gian qua, tất cả làm các trụ cột tăng trưởng kinh tế bị đứt gãy nghiêm trọng, cùng với đó là những sang chấn tâm lý, sức khỏe tinh thần người dân cũng bị ảnh hưởng.

Hiện thành phố đang huy động những ý kiến đóng góp, giải pháp đột phá trong các lĩnh vực để hoàn thiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022- 2025 và bắt tay thực hiện càng sớm càng tốt.

Hồng Nhuận
Ý kiến của bạn