TP.HCM kiến nghị bỏ ban hành khung giá đất 5 năm một lần

Mới đây, UBND TP.HCM vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc bỏ quy định khung giá đất tối thiểu, tối đa ban hành 05 năm một lần.

Kiến nghị bỏ ban hành khung giá đất 5 năm một lần

Theo UBND TP.HCM, hiện nay theo quy định về việc xác định thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ trong giao dịch nhà đất thì trường hợp giá đất tại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất tại bảng giá đất do UBND TP ban hành. 

 Điều này dẫn đến bảng giá đất cũng chưa tiệm cận với giá thị trường.

TP.HCM kiến nghị bỏ ban hành khung giá đất 5 năm một lần - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản phía Đông TP HCM. Ảnh: VnExpress

Hiện nay các giao dịch chuyển nhượng nhà đất diễn ra theo xu hướng bên mua và bên bán thống nhất thể hiện giá trị chuyển nhượng tại các hợp đồng giao dịch thấp hơn hoặc bằng quy định tại bảng giá đất, không thể hiện đúng giá thị trường. Mục đích nhằm giảm số tiền phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

UBND Thành phố xác nhận hiện nay việc thu thập thông tin và kiểm tra thông tin về giá giao dịch thực tế của bất động sản trên thị trường gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là việc giao dịch bất động sản theo luật định tại Việt Nam chưa đạt được mức độ minh bạch như các nước phát triển.

Hiện cũng chưa có những quy định cụ thể về quản lý giá chuyển nhượng bất động sản, nên giá giao dịch thực chưa thể hiện đầy đủ tại các hợp đồng giao dịch. Thêm vào đó, việc sử dụng hợp đồng chuyển nhượng làm cơ sở để xác định, thẩm định giá đất có thể chưa phản ánh được thực tế giá chuyển nhượng trên thị trường, thường thấp hơn hoặc cao hơn tùy vào mục đích của các bên giao dịch.

Bảng giá đất trên địa bàn TP hiện đang căn cứ theo khung giá đất của Chính phủ. Theo đó, khung giá đất ở tại TP.HCM (thuộc loại đô thị đặc biệt) có mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2 và tối đa là 162 triệu đồng/m2, có chênh lệch rất lớn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. 

Do đó UBND TP kiến nghị các bộ nghiên cứu bổ sung quy định về việc thu thập thông tin chào mua, chào bán trên thị trường (kể cả giá chào mua, chào bán của chính chủ đầu tư thực hiện dự án) để đề xuất mức giá phù hợp. Trên cơ sở đó so sánh, đánh giá các yếu tố khác biệt giữa tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh làm cơ sở xác định, thẩm định giá đất. 

Trường hợp chưa thể bổ sung ngay vào các văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban kiến nghị các Bộ chấp thuận cho thành phố được thực hiện thí điểm.

Cùng quan điểm với lãnh đạo thành phố, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng kiến nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần tại Điều 113 Luật Đất đai, theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Trong lúc chưa sửa đổi Luật Đất đai, HoREA kiến nghị Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thí điểm giao thẩm quyền cho HĐND, UBND TP HCM chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất, đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Còn theo lãnh đạo Công ty Savills Việt Nam, bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm là khá dài vì giá bất động sản bị điều chỉnh bởi cung - cầu nên luôn thay đổi. Do đó, có thể có những giai đoạn điều chỉnh nhỏ như 6 tháng hoặc một năm để cập nhật biến động của thị trường. Về dài hạn không nên ban hành khung giá đất cố định cho một giai đoạn dài đến 5 năm.

Có sự khác biệt rất lớn giữa giá đất giao dịch trên thị trường với khung giá này. Chính phủ chỉ nên quy định cơ chế, phương pháp xác định giá trị thị trường để làm cơ sở cho người dân, doanh nghiệp đóng các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai.

Đồng thời giao việc xác định này cho các cơ quan, tổ chức độc lập, có năng lực. Việc xác định giá đất theo thị trường là cơ chế tối ưu để hạn chế thất thu ngân sách nhà nước, làm hài lòng, thỏa mãn tất cả các bên sử dụng đất có liên quan. Không những thế, Chính phủ cần phân quyền cho UBND các tỉnh, TP chủ động hơn khi ban hành bảng giá đất để bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá phổ biến trên thị trường và thực tế của từng địa phương.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.