TP.HCM là địa phương đầu tiên thí điểm cơ chế bù trừ tín chỉ carbon
Theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh sẽ thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon bao gồm việc ban hành các quy định, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho thị trường tín chỉ carbon, cơ chế tài chính, các hoạt động hỗ trợ xây dựng và vận hành thí điểm các dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, Sở TN&MT TP.HCM đã chủ động đề ra các nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện cam kết của Thủ tướng tại COP 26 là Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
TP.HCM sẽ triển khai các dự án tiềm năng tạo tín chỉ như: Nâng cấp đèn đường lên đèn Led; lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các tài sản công và tư nhân trên địa bàn; trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà được xác định là tài sản công và tư nhân…
Tại hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh" tổ chức ngày 20/4, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP HCM, nhận định việc đề xuất lựa chọn các dự án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và triển khai hoạt động mua bán tín chỉ carbon trên địa bàn Thành phố mang đến nhiều cơ hội.
Trong đó, hoạt động mua bán tín chỉ carbon sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án xanh tại TP.HCM, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, TP.HCM có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon do có nhiều doanh nghiệp phát thải khí nhà kính và có nhu cầu giảm phát thải.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, đi cùng cơ hội thu lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon cũng có những thách thức, đặc biệt trong khối công. Trong đó, việc thiếu hành lang pháp lý chi tiết cho các hoạt động tính toán, đánh giá và thẩm định tín chỉ carbon cản trở việc thực hiện hiệu quả.
"Trong lần Thủ tướng Chính phủ làm việc với Thành phốTP.HCM, thành phố cũng đã đề nghị các Bộ, ngành chức năng hỗ trợ. Hiện nay thiếu một môi trường mua bán rộng rãi và hiệu quả, đặc biệt là kết nối với các thị trường quốc tế, nơi tín chỉ có thể được bán với giá cao. Bởi vì trên thị trường có việc trao đổi, có nhu cầu cung - cầu để thực hiện giao dịch mua bán", ông Thắng nêu.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tại, hầu hết các nội dung trong quá trình tạo lập, tính toán giá và bán tín chỉ carbon đều phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài.
Để giải quyết các khó khăn trên, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, TP.HCM cần sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành để xử lý các thách thức nêu trên. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo và tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cán bộ công chức về thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác với các quốc gia, quốc tế có kinh nghiệm để triển khai hiệu quả thị trường tín chỉ carbon…
An Mai (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.