TP.HCM: Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững
Ngày 9/11/2023, tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế và Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, tổ chức Hội nghị liên kết vùng với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.
Thế giới đang bước vào giai đoạn tái định hình sau đại dịch COVID-19, các chuyển dịch địa - chính trị - chiến lược, địa - kinh tế sau xung đột Ukraine và những tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ, sẽ tạo ra những thay đổi to lớn, thậm chí mang tính bước ngoặt. Trong 10 năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ diễn biến nhanh, phức tạp với nhiều nhân tố khó dự báo, tác động đa chiều tới môi trường an ninh, kinh tế của đất nước. Các thách thức sẽ gay gắt hơn nhưng cũng xuất hiện những cơ hội mới.
Theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên kết ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐLNKT), kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phát triển mới nhưng tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí khủng hoảng trong một số lĩnh vực. Công nghệ số sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, phương thức sản xuất kinh doanh, năng suất lao động, sự vận hành của hệ thống tài chính, tiền tệ, thanh toán, đồng thời cũng tạo ra những phương tiện và phương thức mới về bảo đảm quốc phòng an ninh, triển khai đối ngoại. Các cơ hội và thách thức ngày càng đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, phụ thuộc vào nội lực và khả năng tận dụng của từng quốc gia, từng chủ thể.
Trong ngắn hạn, kinh tế thế giới đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro lớn, kể cả nguy cơ suy thoái, khủng hoảng dưới tác động tiêu cực của nhiều yếu tố cộng hưởng, nhất là cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn, khó khăn tích tụ trong nhiều năm của kinh tế thế giới, các tác động nặng nề của đại dịch Covid và xung đột Nga-Ucraina.
Ông Trịnh Minh Anh đưa ra khuyến nghị chính sách cho Việt Nam: Là nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu toàn cầu, đặc biệt với nhiều đối tác chủ chốt, như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc…, Việt Nam cần theo dõi và nắm bắt những xu hướng, tình hình mới trong hội nhập kinh tế quốc tế để có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, cần tính đến những một số giải pháp chính sách như sau:
Một là tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bồi đắp nội lực của nền kinh tế, để có thể ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch, biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu. Cùng với việc tận dụng giao thương để thúc đẩy tăng trưởng, tận dụng các lợi thế có được từ các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),… cần củng cố nội lực bằng việc quyết liệt thực hiện cơ cấu lại kinh tế, phát triển đồng bộ các ngành kinh tế quan trọng gắn với thương mại xuất, nhập khẩu và khai thông thị trường nội địa.
Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường toàn cầu, cần tranh thủ những ngành công nghệ có thể đem lại hiệu quả, chất lượng cao; phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động nguồn lực từ trong nước thông qua thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI của các công ty đa quốc gia đến Việt Nam. Tập trung cải thiện môi trường pháp lý, kinh doanh thuận lợi và minh bạch, loại bỏ những thủ tục gây chậm trễ, rườm rà để thu hút hơn nữa FDI từ các tập đoàn lớn ở châu Âu, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ,…
Hai là đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa thông qua việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tập trung phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian thay thế nhập khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung thay thế thông qua việc tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các FTA thế hệ mới. Xem xét, ưu tiên triển khai và hỗ trợ tối đa về nguồn lực đối với các dự án quan trọng liên quan đến các ngành công nghiệp năng lượng, giao thông, vận tải và công nghệ - thông tin, các loại hình kinh tế số, dịch vụ từ xa…
Ba là tận dụng tối đa những lợi thế mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đem lại cho tăng trưởng kinh tế. Vì đổi mới công nghệ sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế, mà biểu hiện rõ nét nhất ở sự gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, các loại hình kinh tế số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống; đẩy mạnh xử lý trực tuyến dịch vụ công; phát triển các ứng dụng thương mại điện tử, ngân hàng số (digital banking)…
Tận dụng những cơ hội và tiềm năng vốn có của mình để có thể trở thành công xưởng sản xuất smartphone hoặc đồ gia dụng thông minh của thế giới. Điều này giúp Việt Nam tăng thêm mức độ ảnh hưởng trong chuỗi sản xuất của thế giới và cạnh tranh để trở thành nơi sản xuất chất lượng của các tập đoàn lớn trên thế giới. Cần nhận diện các cơ hội đầu tư một cách thông minh, hướng tới phát triển bền vững, quyết không đánh đổi an ninh và môi trường để thu lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn.
Bốn là đối với xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và chủ động ứng phó với các tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là cam kết trong các FTA đã ký kết nhằm bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Năm là chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, cơ hội và thuận lợi luôn đan xen với thách thức và khó khăn. Để bắt kịp với sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta cần điều chỉnh quy hoạch phát triển và chiến lược tổng thể về sản xuất kinh doanh của từng vùng, từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời Việt Nam cần xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược độc lập, tự chủ của nền kinh tế nhằm nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế.
Minh Yến - Hồ TĩnhVới 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.