TP.HCM: Quý I/2025, tín dụng tăng 1,39% so với cuối năm 2024
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực II, tính đến cuối quý I/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 3,99 triệu tỷ đồng, tăng 1,39% so với cuối năm 2024 và tăng 11,82% so với cùng kỳ.
Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực II cho biết, đây là mức tăng trưởng tín dụng cao so với cùng kỳ hai năm trước, tương ứng tăng 0,96% năm 2024 và 1,25% năm 2023.
Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu. Theo đó, tín dụng cho các ngành lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực xây dựng; nông lâm nghiệp; vận tải kho bãi… đều có tốc độ tăng trưởng trên 1,5%, gắn với việc giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và UBND thành phố cũng như kết quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tín dụng quý I/2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 3,99 triệu tỷ đồng. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao hơn tín dụng VND. Cho vay ngoại tệ là cho vay có điều kiện, đối tượng cụ thể thuộc nhóm ngành lĩnh vực xuất nhập khẩu theo quy định về điều kiện vay ngoại tệ.
Vì vậy, mặc dù tín dụng ngoại tệ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn (khoảng 4%) song trong 3 tháng đầu năm 2025, loại hình tín dụng này đạt tốc độ tăng trưởng 2,1%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng VND và tín dụng chung trên địa bàn.
Ở góc độ vĩ mô, diễn biến này phản ánh hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực cũng như sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, kinh tế thành phố quý I/2025 có mức tăng trưởng ấn tượng trong 3 năm trở lại đây, với GRDP đạt 7,51%. Cùng với diễn biến tích cực từ các thị trường: hàng hóa; bất động sản và tiêu dùng được cải thiện là yếu tố môi trường thuận lợi và là động lực tác động trở lại để tín dụng trên địa bàn tăng trưởng hiệu quả trong 3 tháng đầu năm và những tháng tiếp theo.
“Kết quả hoạt động tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh quý I/2025 không chỉ phản ánh tác động tích cực và vai trò của dòng vốn ngân hàng đối với tăng trưởng kinh tế Thành phố, mà còn phản ánh hiệu quả của cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước”, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực II nhấn mạnh.
Huyền My (t/h)
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng cao gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế... kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.