TP.HCM sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho người mất vì đại dịch Covid-19

Sự kiện
08:51 AM 15/10/2021

Bí thư TP.HCM khẳng định: "Không phải cái gì cũng đổ cho dịch Covid-19, như vậy là oan cho dịch".

Chiều 14/10/2021, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã phát biểu kết luận tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 9, khóa XI, hội nghị thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế trong giai đoạn mới.

Không phải cái gì cũng đổ cho đại dịch

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ngoài nguyên nhân khách quan là tác động của đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, còn những nguyên nhân chủ quan. Bí thư đề nghị phải nhìn kỹ lại, đánh giá yếu tố chủ quan. 

Đồng thời, Bí thư TP.HCM khẳng định: "Không phải cái gì cũng đổ cho dịch Covid-19, như vậy là oan cho dịch".

Nhìn thẳng vấn đề, Bí thư nhận định có lúc, có nơi công việc chậm trễ theo kế hoạch, bị động, nhiều lúng túng, thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tính toán xử lý tình huống cụ thể.

Theo ông Nguyễn Văn Nên: "Dịch bệnh lâu quá làm chúng ta bị động và không thực hiện được như kế hoạch ban đầu đặt ra. Ta còn hạn chế trong dự báo, phân tích tình hình, đánh giá, xây dựng triển khai kịch bản trong phòng, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế - xã hội ngắn và dài hạn".

Qua thử thách Covid-19, toàn hệ thống chính trị bộc lộ hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém. Do đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị nghiêm túc đánh giá, tìm giải pháp.

Về nhiệm vụ cấp bách thời gian tới, Bí thư TP.HCM đề nghị, việc đầu tiên là thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Nên lưu ý: "Từng bước mở cửa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, an toàn đến đâu mở cửa đến đó, không nôn nóng nhưng không để lỡ cơ hội".

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nêu ý kiến, nếu như giai đoạn chống dịch đã chiến đấu 200% thì giai đoạn phục hồi kinh tế cũng phải tăng tốc, phấn đấu trở lại như bình thường, không chậm trễ.

Hội nghị thống nhất ngành y tế cần chuẩn bị nhân sự, điều kiện để thay thế lực lượng tăng cường khi họ rút đi.

Ngoài ra, Bí thư TP.HCM thông tin thêm: "Lần trước chúng ta bị động vì thiếu chiến lược, có lúc thiếu kịch bản. Giờ chắc chắn không thể chấp nhận chuyện đó. Phải chuẩn bị ngay kế hoạch để đưa ra kịch bản và diễn tập khi có tình huống xảy ra thì làm gì, vận hành cơ chế, vai trò trách nhiệm từng bộ phận".

Tổ chức lễ cầu siêu, giúp đỡ người thực sự khó khăn

Nêu nhận định về các chiến lược xã hội trọng yếu, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, hội nghị đã thống nhất với đề xuất tổ chức lễ cầu siêu cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch và đề nghị nghiên cứu thực hiện.

Thứ 2, thành phố cần tập trung triển khai kế hoạch chăm lo trẻ mồ côi, người già neo đơn.

Thứ 3, TP.HCM cần có kế hoạch tri ân cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu, lực lượng vũ trang, cán bộ y tế cơ sở, tình nguyện viên đã nỗ lực dũng cảm, hy sinh; các nhà thiện nguyện, nhà hảo tâm đã âm thầm, lặng lẽ, vượt khó khăn chung tay cùng TP.HCM. 

Đồng thời, thành phố sẽ nghiên cứu phát động đợt cao điểm TP.HCM tri ân từ nay đến Tết Nguyên đán.

Nhìn lại các đợt hỗ trợ gói an sinh vừa qua, Bí thư TP.HCM nhận định, chỉ có đợt đầu là tương đối ổn. Các đợt sau thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề, từ quyết định ở trên, cho đến danh sách xét duyệt ở dưới. Có lúc số lượng tăng bất ngờ.

Ông Nguyễn Văn Nên đưa ra khuyến cáo: "Chúng ta xét trường hợp người thực sự khó khăn, không thể vươn lên được, không có người giúp đỡ thì nhanh chóng hỗ trợ. Hệ thống chính trị cơ sở sát dân mới hiểu ai thực sự khó khăn để lên danh sách, xét duyệt cho hưởng gói hỗ trợ. Đừng để người ta hiểu lầm rằng đó là tiêu chuẩn cho mỗi người khi thực hiện giãn cách".

Hồng Nhuận
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.