TP.HCM thăng hạng trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu
TP.HCM đứng thứ 98 trong tổng số 119 thành phố được xếp hạng theo Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI).
Theo GFCI - ấn bản lần 37 (GFCI 37) vừa được tổ chức Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc phát hành, TP.HCM đứng thứ 98 trong 119 thành phố xếp hạng, tăng 7 bậc so với năm ngoái.
Trong kỳ xếp hạng đầu tiên của năm 2025, TP.HCM tăng 25 điểm, đạt 645 điểm. Nhờ vậy, đầu tàu kinh tế Việt Nam tăng 7 hạng so với năm ngoái lên 98, thứ hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu được vào danh sách xếp hạng năm 2022.
TP HCM xếp thấp hơn Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia) nhưng cao hơn Manila (Philippines) trong khu vực Đông Nam Á. Tính trong khu vực Đông Nam Á, Singapore tiếp tục duy trì hạng 4 toàn cầu.
Ở cấp độ toàn cầu, New York (Mỹ) giữ vững vị trí dẫn đầu với 769 điểm. Tiếp theo là London (Anh), Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Tổng cộng 9 thành phố dẫn đầu toàn cầu đều giữ nguyên thứ hạng. Tân binh duy nhất là Seoul (Hàn Quốc) vươn lên hạng 10, thay cho Frankfurt (Đức).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Điểm GFCI là kết quả của quá trình phân tích kỹ lưỡng, kết hợp dữ liệu khách quan và ý kiến của các chuyên gia, nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện về khả năng cạnh tranh của các trung tâm tài chính toàn cầu. Điểm GFCI được tính bằng nhiều yếu tố đầu vào, cung cấp bởi các bên như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới…
TP HCM đã có ý tưởng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế từ cách đây gần 20 năm, khởi đầu từ những năm 2000. Cuối 2024, Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, dự kiến vận hành năm 2025, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm.
Việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế được đánh giá sẽ tạo nền tảng góp phần cho sự tăng trưởng của TP HCM trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để thành phố thu hút nhà đầu tư quốc tế, tăng nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực.
Đầu tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính tại Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa tham vọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, với TP.HCM và Đà Nẵng là hai địa phương trọng điểm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc sớm triển khai trung tâm tài chính sẽ giúp Việt Nam kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu, thu hút nguồn vốn quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng thị trường tài chính trong nước theo các chuẩn mực quốc tế và tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế.
Theo kế hoạch, trung tâm tài chính quốc tế sẽ được thành lập và vận hành ngay trong năm 2025, với TP.HCM là đầu tàu và Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm tài chính khu vực.
Huyền My (t/h)
Bộ Tài chính đề xuất hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu.