TP.HCM thu gần 3.800 tỉ đồng từ phí hạ tầng cảng biển
Sau 20 tháng, TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển gần 3.800 tỉ đồng. Nguồn thu được ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng, đường sá… kết nối giao thông khu vực cảng biển.
Ngày 22/12, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển) tại TP.HCM.
Số liệu thống kê từ Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho thấy, từ ngày 1/4/2022 đến ngày 15/12/2023 đã thu được tổng cộng 3.797 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển (trung bình mỗi ngày Thành phố thu được khoảng 7 tỷ đồng).
Sau 20 tháng triển khai, hiện có 68.800 doanh nghiệp đăng ký, bình quân hằng ngày khoảng từ 2.000 đến 3.000 doanh nghiệp khai báo và nộp phí.
Trên cơ sở nghiên cứu, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM sử dụng hệ thống thu phí tự động 24/7 đầu tiên của cả nước, không sử dụng tiền mặt. Nhờ đó đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng, nhận được sự ủng hộ rất lớn từ doanh nghiệp.
Với nguồn phí thu được, TP.HCM trích 1,3% dùng cho các chi phí nâng cấp hệ thống, thuê thiết bị vận hành... Dự kiến từ năm 2024, tỷ lệ trích để lại là 1,5% mới đảm bảo chi phí thuê thêm thiết bị, thực hiện chi cho hải quan và các doanh nghiệp khai thác cảng.
Còn lại toàn bộ nộp về ngân sách thành phố để bố trí đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể HĐND TP.HCM đã thông qua danh mục 27 công trình trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển.
Theo đó, nhóm các dự án đã được bố trí Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách thành phố có 15 dự án, tổng kế hoạch vốn đã bố trí là 24.000 tỷ đồng; trong đó, 6 dự án đã có chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và 9 dự án đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Các dự án trọng điểm nổi bật như: Xây dựng, mở rộng Vành đai 2; mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái; hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy; xây dựng nút giao An Phú; mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy); hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; duy tu nạo vét sông Soài Rạp…
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, hiện thành phố đang cân đối vốn, triển khai hàng loạt dự án giao thông quan trọng khu vực cảng biển như Vành đai 2 đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng; nút giao Mỹ Thủy khu vực cảng Cát Lái, đường liên cảng… Có thể nói, nguồn lực mà thành phố dành cho các dự án khu vực cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu (thành phố Thủ Đức) là rất lớn.
Trong đó, dự án nút giao An Phú dự kiến hoàn thành đầu năm 2025; đến năm 2026 thông xe Vành đai 2; đồng thời kết hợp đường liên cảng được xây dựng thì cửa ngõ phía Đông sẽ thông thoáng. Xe ra vào cảng thuận lợi, giảm thời gian quay vòng, chi phí logictics sẽ giảm và tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, ông Lâm cho biết.
Ngoài ra, thành phố đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường mới dài 6 km nối cảng Cát Lái - Phú Hữu qua cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 3. Dự án này ước tính tổng vốn 8.000 tỷ đồng, cũng dự định dùng nguồn thu phí cảng biển để đầu tư.
Thương Huyền (t/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.