TP.HCM: Tới đây sẽ siết lại những điểm bán qua mạng, bán tự phát gây mất an toàn thực phẩm
Ngày 29/10, tại chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời", bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, người dân không nên chủ quan dù được phép bán tại chỗ vì vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là uống rượu bia khi giao lưu gặp gỡ.
Ngày 29/10, tại chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan và Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng đã giải đáp trực tiếp những băn khoăn, thắc mắc của người dân liên quan tới chủ đề "Việc kiểm soát dịch và kinh doanh ăn uống tại chỗ - Những điều cần biết".
Đừng vì sự chủ quan mà ảnh hưởng đến kết quả chống dịch
Trả lời thắc mắc về bộ tiêu chí không cho bán rượu bia tại chỗ vì sợ tụ tập đông, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, người dân không nên chủ quan dù được phép bán tại chỗ, vì vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là uống rượu bia khi giao lưu gặp gỡ. Dù thí điểm tại Quận 7 và thành phố Thủ Đức nhưng TP.HCM vẫn mong số ca nhiễm mới và số ca tử vong giảm dần.
Bà Lan nhấn mạnh: "Một điều mà thành phố lo lắng đó là các quận khác đổ về các quận thí điểm ăn uống. Vì vậy, mỗi người dân phải nhất quán trong bảo vệ sức khỏe của mình, đừng vì sự chủ quan mà ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch mà thành phố đã đạt được trong thời gian qua".
Trước thắc mắc nhà hàng khách sạn có được phép phục vụ ăn uống, rượu bia cho khách đến lưu trú, bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin, nhà hàng tại cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng không có ràng buộc về rượu bia, và có giờ mở cửa như các quán ăn bình thường, vì họ có chủ ý phục vụ du lịch. Ngoài khách của khách sạn, các cơ sở đó vẫn có thể đón khách bên ngoài, đồng thời thực hiện quét mã, khai báo y tế.
Tuy nhiên, đối với những điểm bán tự phát, bán qua mạng, gây mất an toàn thực phẩm, tới đây thành phố sẽ siết lại. Bên cạnh đó, nếu người dân phát hiện cơ sở nào không đảm bảo an toàn thực phẩm thì báo cho cơ quan chức năng đến xử lý.
Tiêm vaccine cho trẻ em
Liên quan đến việc tiêm vaccine cho trẻ trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, hiện còn 3 ngày nữa để tiêm đại trà và 2 ngày tiêm vét. Thống kê sơ bộ có 780.000 trẻ em ở thành phố, chủ yếu là trẻ đi học ở các trường phổ thông sẽ được tiêm vaccine. Việc tiêm sẽ thông qua 2 khu vực, đó là học sinh nào đi học thì sẽ tiêm tại trường đang học hoặc trường tập trung thuận tiện đi lại. Còn với học sinh không đi học thì tiêm ở cộng đồng như trạm y tế, bệnh viện.
Trước đó, ngày 28/10/2021, Sở Y tế TP.HCM phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị chức năng họp rút kinh nghiệm về công tác tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn.
Tại cuộc họp, Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, từ ngày 27/10 đến trưa 28/10, đã có 39.756 trẻ đã tiêm vaccine COVID-19.
Trong đợt tiêm chủng lần này, Sở Y tế TP.HCM cũng ghi nhận có một số quận, huyện đã hoàn thành tiêm chủng gần 100% trẻ em từ 16 - 17 tuổi. Đại diện Phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM cho hay: “Nếu quận nào đã hoàn thành mũi tiêm cho độ tuổi 16 - 17 có thể chủ động thực hiện kế hoạch tiêm hạ độ tuổi, cố gắng trong vòng 7 ngày hoàn thành chiến lược tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ trên địa bàn quận đang quản lý”.
Để đảm bảo ổn định kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh: “Không ngưng điểm tiêm của người lớn mà vẫn phải duy trì với số lượng ít hơn. Dứt khoát không để 1 điểm tiêm vừa có người lớn lẫn trẻ em vì rất dễ nhầm lẫn”.
Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.