Tp.Thái Nguyên: Giáo viên hợp đồng khoán và câu chuyện buồn thời Covid-19
Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phải cho học sinh tạm dừng đến trường. Mọi hoạt động dạy và học được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, dẫn đến một số giáo viên hợp đồng không được bố trí công việc, điều đó đồng nghĩa với việc số giáo viên này không có lương.
Theo thống kê năm học 2021-2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo Tp. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) thiếu trên 900 giáo viên ở các cấp học. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, căn cứ vào nhu cầu thực tế UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp kinh phí để các trường chủ động ký hợp đồng vụ việc với giáo viên dạy khoán.
Theo đó, giáo viên hợp đồng khoán được giảng dạy 10 tháng mỗi năm với mức lương 5,5 triệu/tháng. Ngoài số lương đó, giáo viên hợp đồng khoán không được hưởng bất cứ chế độ nào khác. Muốn tham gia bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội, họ phải trừ tiền lương đóng theo hình thức tự nguyện. Suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi học sinh tạm dừng đến trường, đa số các giáo viên hợp đồng khoán không được bố trí giảng dạy, dẫn đến không có thu nhập và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 (Tp.Thái Nguyên), cho biết: "Hiện nay, nhà trường có 856 học sinh 5 giáo viên hợp đồng khoán, có những giáo viên đã công tác được trên 7 năm. Thấu hiểu được hoàn cảnh của những giáo viên hợp đồng khoán, chúng tôi luôn động viên các cô yên tâm công tác gắn bó lâu dài với nhà trường. Trong những ngày học sinh tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19, để tạo điều kiện cho giáo viên hợp đồng khoán có lương, Ban giám hiệu Nhà trường đã sắp xếp một số tiết dạy cho những giáo viên này."
Nếu ở những trường mà không thu xếp được cho giáo viên hợp đồng khoán có tiết giảng dạy thì đương nhiên không có lương. Nhiều cô giáo phải tìm các công việc khác để mưu sinh cuộc sống, người thì bán hàng online, người thì tranh thủ làm shiper. Một năm giáo viên dạy hợp đồng khoán chỉ được nhận lương 10 tháng, lại cộng thêm nghỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tâm lý của nhiều giáo viên không khỏi dao động.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xá (Tp.Thái Nguyên), chia sẻ: "Trường của chúng em có 31 lớp với 1.212 học sinh. Hiện tại Nhà trường được giao 40 biên chế và 9 giáo viên dạy hợp đồng khoán. Việc tuyển giáo viên hợp đồng rất khó khăn, nhất là sau mỗi dịp nghỉ hè. Có giáo viên mới ký hợp đồng giảng dạy được một thời gian đã tìm đủ lý do để xin nghỉ. Mặc dù Ban giám hiệu Nhà trường đã động viên bằng mọi cách nhưng cũng không có kết quả. Hầu hết số giáo viên đang giảng dạy trên địa bàn Tp.Thái Nguyên đều đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Sau 4 năm dùi mài kinh sử trên giảng đường Đại học, khi tốt nghiệp ra trường các giáo viên đều mong muốn được cống hiến sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên chỉ số ít giáo sinh sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào biên chế, số còn lại muốn theo đuổi nghề thì chấp nhận dạy hợp đồng…"
Trao đổi với Phóng viên, bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Tp. Thái Nguyên, cho biết: "Tính đến tháng 10/2021 Phòng Giáo dục và Đào tạo đang quản lý 121 trường, 1.967 lớp với 68.194 học sinh. Tống số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 4.523 người. Tống số giáo viên định mức khoán là 945 giáo viên. Trong thời gian qua, số giáo viên định mức khoán thuộc Phòng Giáo dục Đào tạo quản lý đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để số giáo viên định mức khoán yên tâm công tác, tất cả vì sự nghiệp giáo dục của thành phố."
Trên thực tế, với mức lương như hiện nay cùng với áp lực công việc, nhiều giáo viên hợp đồng dạy khoán sẵn sàng xin nghỉ việc để làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mức lương hấp dẫn, trung bình từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy cần có cơ chế chính sách đặc thù đối với các giáo viên dạy hợp đồng khoán để họ yên tâm công tác, xác định gắn bó lâu dài với nghề đã chọn.
Quang HưngSáng 14/9, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bắt đầu chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3.