Trà chanh vỉa hè lên giá 15 ngàn, quán cafe thu 100 ngàn/cốc sữa chua

Cốc trà chanh từ 10.000 lên 15.000 đồng, bánh mỳ thịt xiên vỉa hè tăng 5.000 đồng còn người mua thì tặc lưỡi cho qua vì đã trót hỏi.

Mở quán một thời gian, chị Trần Thị Tú (Hà Đông, Hà Nội) buộc phải tăng giá trà chanh, đây là loại rẻ nhất trong quán bán với giá 10.000 đồng/cốc. Mức giá mới lên 15.000 đồng/cốc, tăng mạnh so với giá ban đầu. Nhiều khách hàng vào mua đã thắc mắc về việc tăng giá nhưng theo lý giải của chị Tú, nếu không tăng thì sẽ không đủ chi phí.

Trà chanh đang là loại đồ uống rẻ nhất trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của phần lớn học sinh, sinh viên do mức giá phù hợp. Hàng loạt các quán trà chanh mọc lên ở gần các khu vực nhiều trường học. Tuy nhiên, do chi phí mặt bằng không giảm, khách vắng, chủ quán buộc lòng phải tăng giá.

Trà chanh tăng giá để bù chi phí

Theo chị Tú, trà chanh vốn là đồ uống giá rẻ nên khi điều chỉnh tăng 5.000 đồng/cốc, khách hàng có sự phản ứng nhưng họ vẫn chấp nhận vì vẫn còn rẻ so với các loại đồ uống khác như cà phê hay sinh tố. Trong menu của quán có những đồ uống khác nhưng ở mức giá cao nên chị không thể điều chỉnh tăng thêm.

“Nguồn thu của quán phụ thuộc vào phần lớn các loại đồ uống giá rẻ. Biết là gây khó cho người mua nhưng bất đắc dĩ mình phải điều chỉnh”, chị Tú cho hay.

Khảo sát các quán đồ uống, sinh tố cho thấy, giá các loại sinh tố, đồ uống ăn thức uống từ trái cây không giảm mặc dù thời gian gần đây trái cây trong nước giảm mạnh. Chị Nguyễn Thị Quỳnh (một tín đồ của hoa quả dầm) cho hay thường xuyên ăn hoa quả dầm, nhưng mỗi đĩa trái cây 30.000 đồng không hề giảm so với thời điểm trước đó.

“Trong các quán cà phê, sinh tố hay sữa chua hoa quả đều vẫn có giá khá cao từ 40.000-60.000 đồng/cốc ở các quán bình dân, còn quán xịn lên tới 100.000 đồng/cốc. Với mức giá này, mình có thể mua được cả cân hoa quả”, chị nói.

Hoa quả rẻ nhưng các loại sinh tố trái cây vẫn không giảm giá

Điều chỉnh tăng giá không chỉ ở các quán, cửa hàng mà ngay cả kinh doanh ăn uống vỉa hè cũng phải điều chỉnh. Bà Hải bán bánh mì vỉa hè ở quận Đống Đa mới đây cũng tăng giá bán. Trước đó, một cái bánh mỳ trứng kèm theo chả và ruốc bán với giá 12.000 đồng thì nay bà đã phải tăng lên 15.000 đồng. Phần lớn khách hàng của bà là học sinh, sinh viên, người lao động có mức thu nhập thấp.

Bà Hải lý giải tăng giá bánh mì là do nguyên nhân thịt lợn tăng, các chi phí khác như rau, dưa vẫn ở mức cao, nếu không điều chỉnh giá thì bán không có lãi. “Hiện nay buôn bán khó khăn, sau dịch người ăn cũng ít đi nên giờ tôi phải tìm mọi cách xoay sở. Có lên một hai nghìn nên người mua cũng không phàn nàn lắm”, bà cho biết thêm.

Tương tự, chị Thu (bán thịt xiên nướng tại KĐT Linh Đàm) cũng vừa tăng giá mỗi xiên thịt nướng. Trước đây, thịt rẻ chị bán giá 10.000 đồng/3 xiên thì nay bán 5.000 đồng/xiên. Chị cho hay, thịt đắt nên hầu hết các hàng quán đều phải tăng giá nếu không sẽ lỗ. Trung bình hàng ngày chị bán hàng trăm xiên thịt nhưng không lãi nhiều như trước đây do người ăn giảm hẳn. “Hiện giờ cái gì cũng đắt nên người dân cũng giảm ăn uống ở ngoài”, chị nói.

Giảm số lượng thịt để không tăng giá bán

Khảo sát tại các địa điểm ăn uống dành cho học sinh, sinh viên, giới trẻ, giá nhiều loại đồ ăn thức uống đã tăng nhẹ. Mức tăng trung bình từ 3.000-5.000 đồng. Đây là mức mà người mua  vẫn chấp nhận được.

Trong khi đó, các chủ kinh doanh giải thích việc tăng giá do chi phí mặt bằng. Tuy nhiên, phía người tiêu dùng cho rằng, giải thích này không hợp lý vì hiện nay hầu hết các mặt bằng cho thuê đều đang giảm, nguồn đầu vào như thực phẩm hoa quả cũng giảm, kể cả hoa quả nhập khẩu.

Sợ phản ứng của khách hàng, thay vì tăng giá nhiều cửa hàng đã giảm bớt lượng đồ ăn cho khách. Chị Thu cho hay, mình giảm số lượng thịt ở mỗi xiên, cắt ngắn que xiên đi sẽ khiến cho khách hàng không cảm giác bị mua đắt.

Bảo Anh
Ý kiến của bạn