Trà Vinh: Cầu thị và lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp
Sáng 26/2/2022, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức họp mặt doanh nghiệp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, với sự tham gia của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Trà Vinh cùng các doanh nghiệp hiện đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, để trực tiếp lắng nghe các kiến nghị, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo hướng thích ứng an toàn, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Thẳng thắn, chân tình
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện, trong năm 2021, kinh tế của tỉnh Trà Vinh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo mọi điều kiện cho lưu thông và tiêu thụ hàng hóa, không làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân và doanh nghiệp.
Tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin phòng, ngừa COVID-19 cho công nhân, người lao động của các doanh nghiệp, để tổ chức sản xuất theo phương án 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến. Từ đó giảm thiệt hại và phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác hỗ trợ sau khi cấp chủ trương đầu tư, thuận lợi cho chuyên gia, người lao động ngoài tỉnh đến hỗ trợ các dự án, công trình xây dựng. Đáng chú ý là trong giai đoạn hết sức khó khăn thì 5 dự án điện gió đã hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại, góp phần thúc đẩy, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh trong năm qua có chuyển biến tích cực, kịp thời triển khai các chính sách, giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, gắn với phát triển sản xuất, khởi nghiệp.
Vì vậy, năm 2021, trên địa bàn tỉnh thành lập mới 375 doanh nghiệp, đến nay, toàn tỉnh co 3.248 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 48.000 tỷ đồng. Ngay sau khi đại dich COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh sớm khôi phục và đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường, tạo việc làm cho 31.000 lao động... Đây là những tín hiệu đáng mừng trogn việc thích ứng an toàn, phục hồi sản xuất sau đại dịch theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Tại buổi họp mặt, các ý kiến của doanh nghiệp đã đi vào thẳng vào những vấn đề vướng mắc, bức xúc hiện nay.
Giám đốc Công ty Trường Thành cho biết: Việc giải quyết thục tục hành chính trong dự án đầu tư có lúc còn bị tắc nghẽn, chất lượng lao động ở đại phương còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, do đó, cần xây dựng cơ chế chính sách minh bạch, có biện pháp chế tài đủ mạnh. Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh có chế độ khuyến khích, đãi ngộ, mời gọi các nhà khoa học đóng góp cho địa phương, tập trung công tác đào tạo học sinh, sinh viên.
Tỉnh là sợi dây kết nối, quan tâm tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển các trang trại điện gió trên biển. Giám đốc Công ty CY Vina Hàn Quốc bày tỏ tình cảm và rất phấn khởi khi được UBND tỉnh ưu tiên cho công nhân Công ty được tiêm mũi 3 vắc xin phòng ngừa COVID-19, giúp người lao động an tâm, phấn khởi và nỗ lực trong sản xuất.
Từ khi thành lập đến nay và nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19, công ty trao cho công nhân nhiều đãi ngộ và phúc lợi, chưa bao giờ chậm trả lương và lãnh đạo công ty coi người lao động là tài sản quý giá nhất.
Thời gian tới, công ty sẽ tuyển thêm 1.000 lao động tại địa phương, rất mong UBND tỉnh hỗ trợ nguồn nhân lực. Giám đốc Công ty Thuận Phát cho biết, hiện công ty đang đầu tư tại Cụm công nghiệp ở huyện Cầu Ngang nhưng địa phương chậm bàn giao ranh đất, đề nghị chính quyền và các ban ngành tạo điều kiện để công ty triển khai sớm dự án. Chủ đầu tư Dự án nhà máy nước sạch ở xã Nguyệt Hóa đề nghị xem xét rút gọn thủ tục giai đoạn 1 để dự án sớm đi vào hoạt động và kiến nghị tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm dự án mới... Dư luận cộng đồng doanh nghiệp cho rằng đây là những ý kiến chân tình, thẳng thắn, không ngại động chạm hay sợ mất lòng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Sau khi lắng nghe các doanh nghiệp phát biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, ghi nhận những đóng góp và tiếp thu các phản ánh, kiến nghị kịp thời, bức xúc của doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh cam kết cùng doanh nghiệp đồng hành - khởi nghiệp - đột phát - phát triển.
Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò tự lực và đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo sức mạnh, năng động, sáng tạo, chủ động tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, tư duy sản xuất đáp ứng thị trường trong nước, vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Nhà đầu tư, chủ dự án, các doanh nghiệp không ngừng học hỏi nâng cao trình độ quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo sức cạnh tranh. Tại cuộc họp mặt doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, thực hiện tốt cơ chế phối hợp một cách thiết thực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư và hoạt động hiệu quả trong năm 2022 và những năm tiếp theo. UBND tỉnh cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhanh nhất, hiệu quả nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc một doanh nghiệp cho biết, cuộc họp mặt đầu năm do UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức, với sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh và các ban, ngành của địa phương là rất kịp thời và cần thiết, để các doanh nghiệp có điều kiện, cơ hội được trình bày, được trải lòng, nêu ra những khó khăn, vướng mắc, trở ngại trong thủ tục đầu tư, trong sản xuất kinh doanh, để có biện pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả. Những buội họp mặt doanh nghiệp cần được tổ chức nhiều hơn, linh hoạt hơn, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Minh YếnDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.