Trắc trở giờ chót, mới nối lại đường bay quốc tế với 4/9 quốc gia
Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã có 4 nước đồng ý với đề nghị mở lại đường bay quốc tế gồm: Nhật Bản, Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Campuchia. Tuy nhiên, với việc xuất hiện biến thể Omicron, các quy định kiểm soát người nhập cảnh chặt hơn đã ảnh hưởng tới kế hoạch trên.
Chiều 28/12, Cục Hàng không đã có báo cáo Bộ GTVT về công tác triển khai chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách 2 chiều với Việt Nam, trong bối cảnh thời hạn mở lại (ngày 1/1/2022) sắp tới gần, nhưng biến thể Omicron xuất hiện đã làm ảnh hưởng tới kế hoạch này.
Theo Cục Hàng không, cơ quan này đã gửi văn bản và trao đổi nối lại đường bay thường lệ chở khách 2 chiều với 9 quốc gia và vùng lãnh thổ được Chính phủ đồng ý mở lại trong giai đoạn 1, bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Tới nay, Cục Hàng không đã nhận được văn bản đồng thuận của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Campuchia; còn Thái Lan, Lào, Trung Quốc chưa có phản hồi hoặc phải tiếp tục trao đổi thêm.
Riêng Hoa Kỳ do chỉ có Vietnam Airlines đang khai thác và đã được nhà chức trách hàng không hai nước cấp phép khai thác thường lệ nên việc trao đổi là không cần thiết, hãng có thể triển khai ngay chuyến bay như kế hoạch.
Tuy nhiên, hiện biến chủng COVID-19 mới là Omicron đã xuất hiện ở cả 9 quốc gia/vùng lãnh thổ dự kiến nối lại đường bay, nên các quy định kiểm soát biến chủng mới này ảnh hưởng đến tất cả các chuyến bay đã và đang triển khai.
Cụ thể, khách lên máy bay về nước phải xét nghiệm nhanh. Hiện phía Nhật Bản và Hoa Kỳ đã có dịch vụ xét nghiệm nhanh tại sân bay, có kết quả sau 2 tiếng, giá xét nghiệm tại Nhật khoảng 270 USD/lần. Do vậy, Cục Hàng không phải tiếp tục đàm phán với các đối tác còn lại để bổ sung xét nghiệm nhanh trước khi lên máy bay. Phía Việt Nam cũng phải bổ sung xét nghiệm nhanh tại sân bay, nhưng chưa có hướng dẫn xử lý với trường hợp phát hiện dương tính.
Do vậy, trước mắt các hãng hàng không chỉ có thể tổ chức chuyến bay từ Nhật Bản và Hoa Kỳ. Chuyến bay đầu tiên nối lại với Nhật Bản sẽ thực hiện từ ngày 5/1/2022 (kết thúc kỳ nghỉ Tết Dương lịch).
Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội ban hành quy định yêu cầu khách từ các nước có biến chủng Omicron khi nhập cảnh tại Hà Nội đều phải cách ly tập trung, nhưng tới nay Hà Nội chưa có phương án triển khai như điểm tiếp nhận cách ly, quy trình cách ly… Bên cạnh đó, TPHCM yêu cầu các hãng hàng không phải thông báo thông tin khách trước 1 ngày (24 giờ) so với giờ khởi hành dự kiến.
Theo Cục Hàng không, quy định này của Hà Nội và TPHCM chưa phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế với người nhập cảnh (văn bản 10688), khác biệt với các nội dung đã được Cục Hàng không Việt Nam thông báo với các đối tác nên để áp dụng sẽ cần tiếp tục trao đổi lại với toàn bộ các quốc gia/vùng lãnh thổ cũng như thống nhất với thành phố Hà Nội về tổ chức triển khai.
“Các quy định trên của Hà Nội và TPHCM làm ảnh hưởng tới kế hoạch khôi phục hoạt động bay quốc tế thường lệ, do trước mắt các chuyến bay chở khách chỉ về Hà Nội và TPHCM”, Cục Hàng không đánh giá, và kiến nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Y tế và UBND TP.Hà Nội, TPHCM thống nhất các quy định và hướng dẫn, báo cáo Thủ tướng.
Theo Bộ Ngoại giao, hiện nhu cầu người Việt tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ dự kiến mở lại đường bay giai đoạn 1 có nhu cầu về nước hơn 140 nghìn người. Các hãng hàng không đều đề nghị tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu khách và giảm giá vé. Do đó, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT cho phép tiếp tục đàm phán để tăng tần suất lên 5 chuyến khứ hồi/tuần cho mỗi bên với đường bay Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Cục Hàng không cũng kiến nghị Bộ GTVT cho phép cơ quan này chủ động đàm phán mở lại đường bay thường lệ với châu Âu, Úc, khi nhu cầu người Việt từ các khu vực này muốn về nước trước Tết rất cao, để sẵn sàng cho nối lại ở giai đoạn 2. Trước mắt là đàm phán với các nước Pháp, Đức, Nga và Úc, với tần suất dự kiến 7 chuyến/tuần cho mỗi thị trường.
HM (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.