Trái cây Việt Nam tắc đường sang Mỹ

Đầu tư và Tiếp thị
05:40 PM 14/08/2020

Việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ đình trệ đang gây nhiều khó khăn và thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Khoảng một tuần nay, do không có nhân viên kiểm dịch thực vật nên việc xuất khẩu trái cây tươi như nhãn, xoài, thanh long, chôm chôm… của Việt Nam sang thị trường Mỹ bị ngừng trệ. Nếu tình hình này kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn. Kéo theo đó là các nhà vườn, trang trại cũng chịu ảnh hưởng theo.

Tình hình gay go

Nhiều công ty xuất khẩu trái cây cho biết:  Hiện nay để trái cây tươi Việt Nam có thể vào Mỹ thì sau khi đóng gói, sản phẩm này được chuyển đến Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP.HCM. Đây là cơ sở chiếu xạ đã được Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận để nhân viên kiểm dịch của Mỹ kiểm tra, kiểm dịch thực vật.

Sau khi kiểm tra, nếu lô hàng đạt yêu cầu, không có vi sinh vật thì được đưa vào chiếu xạ để xuất sang Mỹ. Nếu không đạt yêu cầu thì lô hàng đó sẽ bị hủy, không chiếu xạ được, đồng nghĩa cũng không được xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, một đơn vị xuất nhiều trái cây sang Mỹ, thông tin: Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, Mỹ yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của APHIS.

Khi Mỹ rút toàn bộ nhân viên về nước, những người làm việc trong Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam được linh động đến thực hiện việc kiểm dịch tạm thời cho trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, hiện các nhân viên nhận ủy quyền thực hiện kiểm dịch tạm thời đã bận việc chính của họ nên không thể thực hiện tiếp việc kiểm dịch. Cũng chính vì vậy, từ khoảng một tuần trở lại đây, việc xuất khẩu trái cây tươi đi Mỹ bị chững lại.

“Lúc nhân viên của Đại sứ quán Mỹ kiêm nhiệm, công ty vẫn xuất khẩu được hai lần mỗi tuần nhưng bây giờ xuất khẩu ách tắc. Nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm thì việc xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ của công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình đang khá gay go” - ông Tùng lo ngại.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cũng cho hay tình trạng trái cây tắc đường sang Mỹ đã kéo dài được khoảng một tuần nay. “Hiện các đơn hàng của công ty bị đứng lại nhưng chưa ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi vẫn đang đợi xem hai bên giải quyết như thế nào để có tính toán kịp thời” - bà Vy cho biết. Nhiều công ty xuất khẩu trái cây khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự hai đơn vị trên.

Trái cây Việt Nam tắc đường sang Mỹ - Ảnh 1.

Nhân viên kiểm dịch thực vật của Mỹ đang kiểm tra trái cây trước khi xuất khẩu tại một công ty Việt Nam. Ảnh: QUANG HUY

Doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, đại diện Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT xác nhận có sự việc trái cây xuất khẩu sang Mỹ bị ách tắc. “Tình trạng này mới diễn ra gần đây. Hiện Bộ NN&PTNT Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp Mỹ để giải quyết” - đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho hay.

Xuất khẩu trái cây sang Mỹ tăng

Tính chung trong bảy tháng đầu năm nay, mặc dù tác động của dịch COVID-19 gây ra nhiều xáo trộn nhưng giá trị xuất khẩu rau, trái cây sang thị trường Mỹ vẫn đạt 77 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2019. Một số thị trường khác cũng có giá trị xuất khẩu tăng như Thái Lan với 79,4 triệu USD, Nhật Bản với 68,2 triệu USD, Đài Loan với 43 triệu USD, Hà Lan với 42,7 triệu USD.

Về nhập khẩu, tính trong sáu tháng đầu năm, Mỹ, Trung Quốc, Úc là ba thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam. Cụ thể, nhập khẩu từ Mỹ tăng 27,5%, trong khi đó nhập khẩu từ Trung Quốc, Úc giảm lần lượt 35,2% và 12,5%.

Theo đó, hiện phía Việt Nam đã đề nghị phía Mỹ cho nhân viên kiểm dịch của APHIS sang Việt Nam tiếp tục thực hiện công việc kiểm dịch. Tuy nhiên, phía Mỹ đưa ra điều kiện là nơi cách ly phải đạt chuẩn theo yêu cầu của Mỹ đưa ra và nhân viên của họ không đi chung chuyến bay đưa du học sinh Việt Nam từ Mỹ về nước vì lo ngại bị lây bệnh dịch COVID-19.

Theo các doanh nghiệp, khi trái cây không xuất khẩu được sang Mỹ như bình thường sẽ bị thiệt hại rất nhiều vì đã ký hợp đồng với đối tác, ký hợp đồng bao tiêu nhà vườn… Do đó, các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng giải quyết nhanh khúc mắc trên.

Bên cạnh đó, các công ty xuất khẩu trái cây đang triển khai nhiều phương án khác để tiêu thụ sản phẩm trong thời gian chờ nhân viên kiểm dịch của Mỹ sang. Đơn cử như hạ giá bán, mở rộng thị trường tiêu thụ mới, đẩy mạnh bán tại thị trường nội địa... Riêng những loại trái cây đông lạnh như sầu riêng hoặc dừa vẫn xuất khẩu bình thường vì không phải thực hiện kiểm dịch thực vật.

Đề xuất mở thêm máy chiếu xạ

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết hiện nay ngoài Mỹ, một số thị trường khác cũng yêu cầu chiếu xạ trước khi xuất khẩu như Úc, New Zealand. Đáng chú ý, việc chiếu xạ trái cây xuất khẩu sang Mỹ hiện nay chỉ do một công ty tại TP.HCM đảm nhận.

Vì chỉ có một nhà máy chiếu xạ duy nhất nên giá cả chưa cạnh tranh. Ví dụ, các mặt hàng như nhãn, xoài… ở tận Sơn La muốn xuất đi Mỹ cũng phải vận chuyển vào TP.HCM chiếu xạ mới xuất khẩu được. Trong khi đó, như Thái Lan có 3-4 nhà máy nên giá cả rất cạnh tranh.

“Mỹ là thị trường lớn và là một trong những thị trường chính của xuất khẩu trái cây Việt Nam. Do vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT cố gắng sắp xếp làm sao để có 2-3 nhà máy chiếu xạ trái cây sang Mỹ” - ông Nguyên nhấn mạnh.

An Hiền
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.