Trải lòng của nữ điều dưỡng nơi "điểm nóng" dịch Bắc Giang

Xã hội
01:48 PM 24/05/2021

Bao giờ mẹ về? Con đi cùng mẹ được không? Mùng 1/6 mẹ có mua quà cho bọn con không? ... Những câu hỏi dồn dập của cậu con trai bé bỏng khiến chị Nguyễn Thị Hương (điều dưỡng viên, BV Việt Nam - Thụy Điển, Quảng Ninh) không biết phải trả lời sao, chị chỉ biết hứa "Dịch hết, mẹ sẽ về mua quà cho con"…

Chỉ cần dân gọi là mình lên đường!

Mọi người trong khoa Thận tiết niệu (BV Việt Nam – Thụy Điển) thường gọi điều dưỡng Hương là "người chẳng sợ cái gì bao giờ". Không có chiến dịch nào của bệnh viện mà thiếu mặt chị.

Trước Tết Nguyên đán, 22g30 nhận lệnh hỗ trợ chống dịch ở thị xã Đông Triều, chị lên đường ngay lập tức mà chẳng kịp mang theo bộ quần áo nào. 15 ngày chống dịch ở Đông Triều là 15 ngày ròng rã chị cùng đồng nghiệp đi bộ hàng chục cây số, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm.

Sau đó, chị lại tiếp tục cùng đồng nghiệp chống dịch tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển với những ca trực liên miên.

Trải lòng của nữ điều dưỡng nơi "điểm nóng" Bắc Giang - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Hương trong ngày lên đường hỗ trợ Bắc Giang

Và lần này, chị là người xung phong đầu tiên khi Quảng Ninh kêu gọi 200 chiến sĩ áo trắng lao vào "chảo lửa" chống dịch Covid ở Bắc Giang. "Sinh ra làm nghề  y, chỉ cần dân gọi là mình lên đường thôi. Cảm giác nghề thấm vào máu của mình rồi!".

Đóng bỉm, nhịn uống, quên ăn để xét nghiệm

Ngày đầu tiên có mặt tại Bắc Giang, nhóm chị thực hiện lấy 12.000 mẫu xét nghiệm, làm việc xuyên đêm tới 2h sáng. Những ngày tiếp theo, số lượng mẫu xét nghiệm càng tăng lên, chị cùng đồng nghiệp làm việc trong guồng quay không ngơi nghỉ.

Nhưng thời tiết lại chẳng ủng hộ lòng người. Nắng như đổ lửa. Trùm kín trong bộ bảo hộ, mặt đeo khẩu trang, đầu đội mũ, mồ hôi túa ra như mưa. Toàn cơ thể "ướt như chuột lột" từ đầu tới chân.

Trải lòng của nữ điều dưỡng nơi "điểm nóng" Bắc Giang - Ảnh 2.

Trải lòng của nữ điều dưỡng nơi "điểm nóng" Bắc Giang - Ảnh 3.

Trải lòng của nữ điều dưỡng nơi "điểm nóng" Bắc Giang - Ảnh 4.

"Mấy hôm trời nóng, chúng tôi không dám uống nhiều nước vì sợ phải đi vệ sinh. Cả ngày không dám đi vệ sinh, hoặc cùng lắm đi 1 lần thôi vì nếu cởi đồ bảo hộ ra là phải bỏ đi. Như thế vừa mất thời gian vừa tốn kém! Một số người có chức năng thận kém phải đóng sẵn bỉm, vô cùng nóng bức và khó chịu nhưng biết làm sao", chị Hương nói.

Bởi vậy, trong hơn 20 giờ làm việc liên tục, chỉ khi họng khát khô, chị và đồng nghiệp mới dám dừng tay để uống ngụm nước nhỏ. Vì đứng và đi lại liên tục nên chân đau mỏi rã rời. Có người bị ngất vì kiệt sức. Cái nắng và không khí oi bức khiến chị Hương đầu đau như búa bổ, phải uống tạm viên thuốc giảm đau để tiếp tục guồng quay công việc.

Trải lòng của nữ điều dưỡng nơi "điểm nóng" Bắc Giang - Ảnh 5.

Những phút nghỉ ngơi hiếm hoi của họ vào buổi trưa (Ảnh: Chiến dịch Cảm ơn những Hy sinh)

Nỗ lực là thế, nên đôi lúc gặp sự không hợp tác từ chính người dân, chị cũng chạnh lòng. "Để tăng công suất xét nghiệm, phương pháp gộp mẫu 5 được thực hiện nhưng bà con không hiểu mà nghĩ chúng tôi gây khó dễ nên lại không hợp tác. Rồi có những trường hợp gọi không tới nên chúng tôi phải đi bộ đến tận nhà để lấy mẫu. Giá mà bà con hiểu được với chúng tôi từng phút trôi qua quý giá như thế nào!".

Trải lòng của nữ điều dưỡng nơi "điểm nóng" Bắc Giang - Ảnh 6.

Thức trắng đêm xét nghiệm (Ảnh: Chiến dịch Cảm ơn những Hy sinh)

Ngày ăn tranh thủ, đêm thức trắng cùng hàng nghìn mẫu xét nghiệm, mắt quầng thâm, người gầy rộc, da mặt ai cũng sạm đi và hằn những dấu tích của khẩu trang. Nhưng đêm về, họ vẫn bảo nhau rằng: "Đây không phải là thời điểm được phép ngủ đủ giấc. Khi nào hết dịch sẽ xin nghỉ phép để ngủ bù, ngủ cho đẫy mắt".

Không được phép ốm, phải luôn khỏe để chống dịch là mệnh lệnh mà họ luôn tự đặt ra cho mình. "Giữa tâm dịch thế này, ăn uống, ngủ nghỉ, tất cả đều không quan trọng, chỉ cần tìm ra F và dập dịch càng sớm càng tốt" - chị chia sẻ.

Dịch yên, mẹ sẽ về…

Chồng làm nghề xây dựng thường xuyên đi làm về muộn, chị Hương là người luôn sát sao từng bữa ăn, giấc ngủ của con.

Tháng trước, chồng chị bị ngã xe máy, thoát vị đĩa đệm, đau lưng dữ dội nên phải nằm viện điều trị 16 ngày. Sau đó, anh phải nghỉ ở nhà. Giờ, con gái lớn phải thay mẹ chăm sóc bố và em trai.

Chiều hôm trước khi lên đường, chị vội ra chợ mua đủ loại thực phẩm: gạo, trứng, cá khô, rau củ… để tích trữ vào tủ lạnh."Chồng thấy vợ đột nhiên mua nhiều thức ăn thế là biết vợ lại sắp đi rồi. Anh ấy còn trêu là sợ bố con anh chết đói hay sao mà mua nhiều thế".

Trải lòng của nữ điều dưỡng nơi "điểm nóng" Bắc Giang - Ảnh 7.

Bức ảnh 2 con gửi chị Hương để giúp mẹ đỡ nhớ con

Khi chuẩn bị đi, bé Huyền (con gái lớn của chị) ôm lấy mẹ hỏi: "Mẹ lại đi à? Bao giờ mẹ về?". Chị chỉ biết bảo con rằng mẹ đi chống dịch, đi thôi chưa biết ngày về. Còn cậu con trai Đoàn Minh thì cứ níu mẹ, không muốn mẹ đi.

Kết thúc mỗi ngày dài, nhìn đồng hồ đã 2-3 giờ sáng, chị Hương lại nhớ về gia đình nhỏ của mình."Biết là giờ đó 2 con và chồng ngủ rồi nhưng nhớ quá nên mình cứ nhắn tin. Nếu có tin nhắn lại là mình lại gọi điện qua zalo để được nhìn thấy mặt con", chị kể.

Trong mỗi cuộc nói chuyện, chị lại nhận được hàng tá câu hỏi của cậu con trai nhỏ: Mẹ có nhớ con không? Bao giờ mẹ về? Con đi cùng mẹ được không? Mùng 1/6 này mẹ có về tặng quà con không?... Mỗi câu hỏi ngây thơ của bé càng khiến tim chị thắt lại.

Thời gian này cũng đặc biệt quan trọng với bé Huyền khi ngày 1-2/6 tới con sẽ bước vào kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10.

"Tỷ lệ chọi cao lắm, cả thành phố chỉ có 1 trường điểm. Lúc trước, tôi định dồn lịch trực để xin nghỉ đưa con thi nhưng giờ đi chống dịch thế này, không biết có về kịp để đưa con đi không?"

Biết là ngành y "đi trước, về sau" vất vả nhưng chị vẫn mong con gái nối nghiệp mẹ bởi sứ mệnh cứu người cao cả.

Ngày Quốc tế thiếu nhi đang đến gần, chị cũng như nhiều y bác sĩ khác nơi đầu chiến tuyến khó có thể về mua quà tặng con. Chị thương lũ trẻ vì dịch phải xa mẹ, không có mẹ ở bên trong giai đoạn quan trọng này. Mong ước giản dị được đưa con đi thi có thể khó thực hiện được.

Dù vậy, chị vẫn lạc quan tin tưởng rằng dịch sẽ chóng qua, khi mọi người đều đang vô cùng nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh. Cuối mỗi cuộc trò chuyện hằng đêm, các con đều động viên mẹ, và chị không quên nhắn con rằng, "dịch yên, mẹ sẽ về"…

Hà Anh
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống

“Tôi muốn sống ở đây mãi mãi, lâu đến khi nào có thể”. Có lẽ không chỉ nữ nghệ sĩ Brazil Machini mà còn rất nhiều người trong số gần 16.000 người “xê dịch” đến Đà Nẵng mỗi năm cũng chung dự định: định cư lâu dài tại thành phố, không chỉ bởi thiên nhiên, chất lượng sống mà còn bởi một “vũ khí bí mật” khác mang tên… tình người.