Trái tim ta đập chung một nhịp, khi ta gọi nhau hai tiếng "đồng bào"
Tháng 9 năm 2024, siêu bão Yagi đổ bộ tàn phá miền Bắc Việt Nam, nhiều tỉnh thành phải chịu thiệt hại nặng nề về người và của. Nhân dân trong và ngoài nước cùng chung một lòng, chung tay góp sức, tất cả hướng về miền Bắc thân yêu.
Từ đất mũi về thành thị, từ người trẻ đến người già
Đếm không hết những thương đau và mất mát mà người dân các tỉnh thành phía Bắc đã và đang phải hứng chịu sự tàn phá của cơn bão số 3 và hoàn lưu của nó, những ngôi nhà trơ trọi trống hoác, những tuyến đường ngập thành sông, những bữa ăn ướt nước mưa được chuyển vội đến vùng lũ, những ngày mà tin dữ nối tiếp nhau truyền đến, những ngày nước mắt rơi đau thắt lòng. Ngập lụt, sạt lở, lũ quét, thương vong... những từ khóa xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, trên các bản tin mỗi ngày như những tiếng trống dồn dập gõ vào lòng mỗi một người con đất Việt và rồi vọng lại là những lời hồi đáp từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Những ngày qua, trên khắp mọi miền đất nước, nhân dân ta cùng nhau chống bão. Người có sức góp sức, người có của góp của, hưởng ứng lời kêu gọi từ tổ quốc thân yêu. Bất kể ngày đêm, đều đã và đang có những tổ chức, những hội nhóm cùng nhau ra sức hỗ trợ và đồng hành cùng người dân vùng thiên tai. Họ giúp nhau từng bữa ăn, từng chiếc quần áo, hay thậm chí là chu đáo đến từng chiếc tã cho trẻ em. Nhưng điều tự hào nhất là qua những đợt chống chọi thiên tai và dịch bệnh, dường như người Việt ta lại càng mạnh mẽ hơn, càng ra sức hơn. Các hội nhóm từ thiện hoạt động ngày càng có tổ chức, phân bổ các nguồn lực hỗ trợ của người dân một cách hợp lý để có thể tiếp cận được mọi nơi, đặc biệt là các địa phương vùng sâu vùng xa bị chia cắt, cách ly do thiên tai.
"Các cháu gửi ra ngoài đó giúp bác nhé, thương quá nhưng chẳng biết làm sao"
"Bắc - Trung - Nam nối liền một thể, miền Bắc đổ máu, sao ta có thể làm ngơ". Thương người như thể thương thân, người Việt từ muôn phương hướng về đồng bào, vô cùng ấm áp. Chẳng ai bảo ai, nhưng phải chăng tình yêu nước, thương đồng bào đã trở thành gốc rễ, được gieo trồng từ hàng ngàn năm lịch sử, để đến hôm nay mỗi khi cần, dân ta vẫn luôn hướng về nhau như thế. Đã chứng kiến cụ già ở tuổi "thất thập cổ lai hy" lưng cõng bình nước sạch đến điểm tập kết hàng cứu trợ, rưng rưng khóe mắt bảo rằng: "Các cháu gửi ra ngoài đó giúp bác nhé, thương quá nhưng chẳng biết làm sao"; đã thấy từng thùng mì, từng chiếc bánh được gom góp lại, chất đầy những xe hàng lớn, mà người gửi cũng chẳng đề tên; đã có hàng ngàn chiếc bánh chưng từ miền xuôi, hàng trăm hũ muối lạc từ miền ngược được làm ra gửi trên những chuyến xe 0 đồng; đếm không xuể, kể không hết những điều ấy.
Với sức ảnh hưởng của mạng xã hội, những thông điệp tích cực được truyền đi từng giờ, nó cũng góp phần để đưa thông tin của những nơi cần được hỗ trợ được lan tỏa đến các đoàn thiện nguyện, mạnh thường quân. Trước tình hình cấp bách, ngoài các phương thức cứu trợ thường thấy, các hội nhóm tham gia hỗ trợ tại các vùng ngập lụt nặng còn xuất hiện những phương tiện như flycam, drone (máy bay không người lái chuyên dụng để quay phim, chụp ảnh từ trên cao) được điều khiển để đưa nhu yếu phẩm đến các hộ gia đình trong vùng ngập sâu khó tiếp cận, những chiếc xuồng hơi, những chiếc xe bán tải được điều động từ các câu lạc bộ cũng hưởng ứng nhanh chóng lời kêu gọi, hay đặc biệt hơn là đoàn thuyền từ chùa Hương (Hà Nội) huy động xuồng đò, di chuyển ngay trong đêm để hỗ trợ đồng bào ở Thái Nguyên,…
Người có thể đi thì đi ngay không chần chừ, người ở nhà lại cũng chẳng hề ngơi tay. Những hộp sữa, chiếc bánh với những lời chúc giản đơn "mau khỏe nhé" đến từ những "búp măng non" trên khắp cả nước; những điểm tập kết hàng hóa chưa bao giờ thiếu nhân lực hỗ trợ, vì các bạn thanh niên luôn có mặt sẵn sàng ngày đêm; các chị, các mẹ tập trung gói bánh gói quà, làm mắm làm đồ khô, gói ghém gửi cho "bà con mình ở trên ấy có cái ăn", tất cả yêu thương được chở trên những chuyến xe hướng về miền Bắc. Chuyến xe 0 đồng, nhưng chứa triệu triệu tình yêu thương. Xe đi đến đâu là được hỗ trợ đến đó, có hư hỏng sẽ được sửa chữa miễn phí, có nơi còn được lực lượng Cảnh sát giao thông mở quán cơm miễn phí cho đoàn cứu trợ. Đồng bào mình như thế, sao có thể không tự hào.
Không biết các anh là ai, nhưng biết các anh vì ai mà đến
Cũng trong những ngày này, "nơi nào khó, có bộ đội", câu nói ấy như văng vẳng bên tai, khi chứng kiến lực lượng Quân đội nhân dân sát cánh với người dân oằn mình chống bão lũ. Trách nhiệm của lực lượng QĐND không chỉ là trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, mà từ khi công tác phòng, chống được triển khai, mọi lực lượng đều đã lên đường không màng khó khăn hiểm nguy. Bão số 3 đi qua, còn lại là những cảnh tượng đổ nát và hoang tàn, người dân ngẩn ngơ trong biển nước, giữa tình cảnh ấy, những màu áo xanh như thắp lên hy vọng. Họ băng qua mưa bão, giải cứu người dân mắc kẹt trong vùng lũ. Họ trèo đèo lội suối, tìm kiếm người dân mất tích, bởi vì sớm thêm một giây, là hy vọng sẽ nhiều thêm một chút.
Tình quân dân như cá với nước, những lúc nguy nan thì tình cảm ấy lại càng thêm khắng khít. Các chú bộ đội mặt mũi lấm lem lội trong bùn lầy, giúp dân sơ tán, dọn dẹp đường sá; ở những vùng thiệt hại nặng hơn, tìm kiếm nạn nhân không quản ngày đêm, đi bộ xuyên rừng cứu trợ nhân dân bị cô lập bởi lũ quét, sạt lở. Khi chứng kiến công tác phòng chống, ứng cứu được triển khai liên tục, toàn bộ lực lượng QĐND đều xuất quân hỗ trợ người dân trong những ngày qua, ai dám bảo rằng người lính thời bình chẳng hề vất vả. Đứng trước hiểm nguy, họ xông lên đầu, thiên tai qua đi, họ giúp dân khắc phục hậu quả, phát huy tinh thần và phẩm chất của người lính Cụ Hồ.
Đã có những hy sinh, những mất mát và cả những đau thương chồng chất. Nhưng đồng thời, cũng có những hy vọng, những yêu thương được lan tỏa và sẻ chia. Những ngày này, chẳng mong gì hơn nữa, chỉ mong rằng quân dân ta đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, mong rằng người Việt Nam ta tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi. Tất cả vì một Việt Nam kiên cường và bất khuất, vì để ngày mưa qua đi, nắng sẽ lại lên trên đất mẹ thân yêu.
Bảo PhươngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.