Trần Hoài Phương - sếp 9X quản lý quỹ vừa lọt Top Forbes under 30: Giành học bổng toàn phần ĐH Mỹ, đứng sau các deal triệu USD của Dat Bike, MindX
Trần Hoài Phương - Quản lý đầu tư tại Việt Nam của Quỹ Wavemaker Partners – là một trong 26 người trẻ vừa lọt Top Forbes Việt Nam under 30 năm 2022. Phương sinh năm 1992, quê Quảng Ngãi, tốt nghiệp cử nhân Đại học Lehigh University, Pennsylvania (Hoa Kỳ) với học bổng toàn phần.
Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách under 30 vinh danh 26 người trẻ. Trần Hoài Phương - Quản lý đầu tư tại Việt Nam của Quỹ Wavemaker Partners – là cái tên được vinh danh trong lĩnh vực Kinh doanh & Startup. Phương không xa lạ với giới startup, nhưng ít xuất hiện trên báo giới như tính cách mà cô thổ lộ - “không thích spotlight trực tiếp”.
* Chị từng làm HR và Project Coordinator tại Singapore và Trung Quốc. Cơ duyên nào đưa chị đến với công việc VC?
Tôi là người yêu trải nghiệm và khám phá cái mới. Khi tốt nghiệp, tôi sẵn sàng thử sức với các cơ hội làm việc ở nhiều ngành khác nhau và nhiều nước khác nhau. Tôi từng học tiếng Trung để thực tập cho một công ty ở Thượng Hải, rồi làm cho một công ty ở Singapore về lọc hóa dầu, bay đi bay lại rồi làm việc với phía Dung Quất (BSR - Quảng Ngãi) nhiều. Rất đã! Tuổi trẻ mà, và cũng thích bay nhảy.
Năm 2016, tôi muốn về Việt Nam hẳn, để gần với gia đình. Lúc ấy tôi chưa hiểu về quản lý quỹ, chỉ biết ngày ấy mình học tài chính, còn VinaCapital rất nổi tiếng trong ngành nên thử xin vào và được chấp nhận vào bộ phận Principal Investment, thương vụ đầu tiên là đầu tư vào Yeah1 – một deal nhiều triệu USD, cùng theo sát họ và được tham gia vào quá trình đưa công ty lên sàn HOSE. Đó là một trải nghiệm rất đáng giá. Sau thương vụ đầu tiên Yeah1, ban lãnh đạo VinaCapital nhận ra tiềm năng hệ sinh thái công nghệ ở Việt Nam sau khi chúng tôi đầu tư thì định giá công ty lên rất nhiều lần sau khoảng 1 năm.
Thời ấy chưa nhiều quỹ nội tham gia đầu tư startup một cách chuyên nghiệp hóa, chỉ có CyberAgent Ventures của Nhật, phía Việt Nam thì có ESP Capital của chị Lê Hoàng Uyên Vy. Anh Don Lam quyết định mở quỹ VinaCapital Ventures để đầu tư những vòng hạt giống, pre-A và A để đưa startup nhân rộng và phát triển. Phương là nhân viên đầu tiên của VinaCapital Ventures, khi đó chỉ có anh Don Lam và anh Khanh Trần - hiện tại là Giám đốc sáng lập quỹ Touchstone Partners.
* Cơ duyên với Wavemaker Partners thì sao?
Một lần tham gia TechFest Việt Nam, tôi gặp được một đại diện từ Wavemaker Partners để trao đổi. Sau những lần nói chuyện, tôi nhận thấy sếp Paul ở Wavemaker Partners là người rất nhân văn, cầu tiến, và bình đẳng với nhân viên. Có trường hợp một startup sau khi được tiến cử Paul bị từ chối đầu tư, sau startup đó khá thành công, sếp nói “OK, đó là lỗi của tôi”. Khi được biết họ đang quan tâm thị trường Việt Nam, tôi đã tự tiến cử.
* Đã thử và trải nghiệm nhiều lĩnh vực, chị xác định lộ trình sự nghiệp của mình và quyết định gắn bó đường dài với VC từ khi nào?
Nhiều người hỏi tôi vì sao làm VC, tôi chỉ nghĩ được trả lời “Không làm VC thì không biết làm gì”. Thực sự công việc này tôi thấy phù hợp với con người mình. Tôi không phải kiểu “in the spotlight”, mà thích giúp đỡ người khác thành công và được đóng góp trong hành trình đó. Khi làm VC, việc đầu tư tiền của quỹ cho các startup Việt Nam tôi thấy rất ý nghĩa, giúp được những người có giấc mơ rất lớn được hỗ trợ một bàn đạp để tiếp tục giấc mơ.
VC khác hẳn PE (Private Equity – đầu tư tư nhân) – vốn đầu tư căn cứ trên những số liệu kinh doanh rõ ràng. Đầu tư VC thì cần thực sự hiểu được yếu tố con người, có sự nhân văn, tin tưởng, và uyển chuyển hơn.
* Thuyết phục startup về với team mình và thuyết phục quỹ rót vốn vào startup đã chọn, việc nào khó hơn?
Với tôi thì việc thuyết phục quỹ rót vốn vào startup đã chọn khó hơn. Wavemaker là một quỹ trong ngành khá lâu, đã đầu tư 160 công ty và có không ít vết sẹo qua hành trình đầu tư 9 năm đó, nên sếp khá kỹ tính trong việc startup. Sếp đòi hỏi tôi phải thực sự tin rằng công ty này có khả năng trở thành Unicorn (kỳ lân – startup định giá 1 tỷ USD trở lên) chứ không chỉ mong muốn một deal mang lại 5 - 7x tiền lời. Sếp cũng muốn tôi làm những deal thực sự đem lại giá trị lớn lao cho những vấn đề thực sự cấp thiết cho xã hội và kinh tế, chứ không ấn tượng những giải pháp kiểu có thì tốt, không có có lẽ không sao.
Tôi có thể đúng, có thể sai với nhìn nhận của mình, nhưng thực sự phải tin vào hoài bão Unicorn của công ty chứ không cần deal lời trung bình.
* Có một số startup chia sẻ rằng không phải ví tiền nào của nhà đầu tư cũng nên lấy. Cũng có trường hợp khi thất bại, startup lại đổ lỗi cho nhà đầu tư. Theo quan sát của chị, thực sự có trường hợp startup thất bại vì được một nhà đầu tư không phù hợp rót tiền?
Tôi nghĩ thực ra startup thất bại đa phần là do nội lực startup, chứ khó nói là do yếu tố ngoại như ý kiến của nhà đầu tư. Có thể nhà đầu tư sẽ hướng startup đến hướng không phù hợp với thị trường lúc ấy, nhưng cuối cùng họ đâu có thể cưỡng ép Founder bắt phải theo ý mình. Founder là cha/mẹ đẻ của startup, phải là người biết rõ nhất startup nên đi theo hướng nào, phải là người cầm cương và chịu trách nhiệm chính với công ty của mình.
Còn nếu Founder cũng lơ mơ nghe theo nhà đầu tư thì sai lầm của cả 2 bên – nhà đầu tư chọn Founder không đủ giỏi, chín, và Founder đi nghe lời của nhà đầu tư - vốn dĩ là người đầu tư tài chính chứ không phải người làm chính trong ngành.
Hơi buồn là với một số trường hợp startup thất bại thì tất nhiên cả Founder và nhà đầu tư đều không vui, và khó có thể vẫn niềm nở với nhau. Người mất tiền, người mất uy tín, công sức, thời gian..., nên có lẽ trường hợp tốt nhất là chia tay trong êm đẹp.
* Chị từng nói mình đi tìm Founders có "ý chí của con nhà nghèo và hoài bão Unicorn". Trong bối cảnh của Việt Nam, một đất nước đang phát triển thì số Founders như vậy sẽ rất nhiều…
Thực ra đấy là tiêu chí cuối trong bộ suy xét của chúng tôi. Còn những yếu tố đầu tiên nhất bao giờ cũng là:
- Vấn đề nhức nhối startup đang giải quyết là gì? Giải pháp hiện hữu có thực sự không ổn không?
- Có bao nhiêu khách hàng tiềm năng sẵn sàng trả tiền cho giải pháp của startup?
- Khi công ty trở thành market leader thì khi đó miếng bánh có giá trị bao nhiêu?
- Định giá/Kế hoạch sử dụng vốn/Các cột mốc cần đạt được
- Khả năng gọi vốn và chia sẻ hoài bão của founder
Những câu hỏi trên đều thiên về lý trí nhiều hơn. Khi tất cả câu hỏi về lý trí được thỏa mãn, thì mới đến bộ lọc tiếp theo là về con người, ý chí doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp.
Nếu chỉ dùng lý trí cũng sẽ lọc ra được nhiều công ty, sẽ phải dùng bộ lọc cuối cùng là người nào thực sự cho mình cảm giác họ thực sự có tố chất đặc biệt, “It” factor - y như ông bầu tìm kiếm một ngôi sao ca nhạc, bạn sẽ cảm nhận người đó thực sự có tố chất để thành công.
* Liên quan đến bộ lọc lý trí, có vẻ các câu hỏi chị đặt ra cho startup rất rõ ràng. Còn với bộ lọc con người, chị sẽ dùng câu hỏi nào để tìm ra được người có "ý chí con nhà nghèo và hoài bão Unicorn"?
Tôi không dùng bộ câu hỏi định sẵn, mà dành thời gian và để thực sự cảm nhận về mỗi Founder. Mỗi người lại dẫn tôi đi theo một mạch câu chuyện riêng của họ, và sau mỗi lần trao đổi tôi lại thấy câu chuyện và nhân vật chính rõ nét hơn. Ví như anh Phạm Ngọc Anh Tùng - Founder Foodmap - từng sống trên Đà Lạt, làm Giám đốc nông trại ở Cầu Đất Farm của anh Đinh Anh Huân từ khi trên ấy còn rất khắc nghiệt, chỉ có mấy anh em đi đào đất với nhau, việc nặng gì cũng tới tay.
Cho tới bây giờ khi đã gọi vốn cả nhiều triệu USD, 33 tuổi, mà anh ấy chưa từng có một chỗ ở riêng tại Sài Gòn, cho dù chỉ là một căn nhà đi thuê: Anh sống luôn ở văn phòng. Những tháng đầu lúc startup sắp cạn vốn, anh sẵn sàng đi làm thuê cho một doanh nghiệp ở Hà Nội để kiếm tiền nuôi team. Những điều ấy nói lên rằng anh thực sự sống chết với giấc mơ, và tôi nhận thấy sự tin yêu dành cho anh từ những người nhân viên của mình một cách mãnh liệt - những điều này chỉ có thể cảm nhận được thấy sau những buổi nói chuyện thân tình.
Tôi nghĩ nếu có một bộ câu hỏi sẵn và cứng nhắc thì lúc ấy sẽ dẫn đến tình trạng bị bias - thiên vị, người ta trả lời đúng ý mình thì OK, mà sai thì không. Sẽ sai lầm khi chuẩn bị sẵn một câu trả lời mẫu mình mong muốn, mà mình có thể đặt câu hỏi mở, thực sự quan tâm tới câu chuyện của người được hỏi, lúc đó mình sẽ đi tìm các điểm trong câu chuyện ấy nói cho mình biết con người Founder đó như thế nào và văn hóa doanh nghiệp họ sẽ xây ra sao.
* Nhìn lại chặng đường sự nghiệp của mình, đâu là điều chị thấy hài lòng nhất?
Tôi hài lòng nhất ở việc đã được gặp, kết nối, và chia sẻ với những người bạn và đối tác thực sự có tâm, có tài, và tình cảm.
* Quan điểm “thành công” của chị là gì? Chị có cho rằng mình đã thành công?
Với tôi thì thành công là một định nghĩa xã hội tạo nên để đánh giá mỗi con người và vô hình chung gây một sức ép rất lớn.
Nó giống như khái niệm đẹp, xấu… vốn là một định nghĩa của xã hội tạo ra, chứ không phải là một cái gì đó bất biến về mỗi con người. Và cái định nghĩa “thành công” này gây lên sức ép rất lớn cho cả người trẻ lẫn người già. Người trẻ đặt nặng việc, “Tôi phải thành công”, còn người già thì nghĩ “Tôi chưa thành công”, và cảm thấy không thỏa mãn trong khi cả cuộc đời họ có thể đã giúp được nhiều người và đóng góp nhiều giá trị cho xã hội theo cách riêng của họ, nhưng chưa được nhìn nhận là “thành công” vì họ chưa đủ giàu hay chưa đạt đến một vị trí nào đấy đủ cao.
Tôi cũng không theo đuổi một cái gì đó gọi là thành công mà chỉ muốn cống hiến những gì mình có thể với công việc và cộng đồng xung quanh. Nếu có một lúc nào đó may mắn để có thể một ngày gắn lên cái mác thành công, lúc đấy sẽ giúp tôi những việc như gặp nhiều cơ hội tốt, gặp nhiều đối tác, gọi nhiều vốn, làm nhiều việc ý nghĩa hơn, tức là một bàn đạp để cống hiến nhiều hơn. Chứ tôi không đặt nặng việc thành công hay không thành công, nó vô nghĩa và gây sức ép lên mọi người một cách không cần thiết.
* 30 tuổi, chị thấy mình có những gì?
Một công việc ổn định, được làm công việc mà mình đang lớn lên hàng ngày, được hiểu biết thêm hàng ngày, mà người ta còn trả tiền cho mình để học. Ngoài ra tôi còn những tài sản vô hình như tình cảm với đối tác, đồng nghiệp. Về cá nhân, tôi có tài sản là gia đình.
* Chị có hình mẫu lý tưởng nào để hướng theo và học hỏi?
Tôi thích Melinda Gates và MacKenzie Scott – vợ cũ của Bill Gates và Jeff Bezos. Hai người phụ nữ đều vừa ly hôn (cười).
Như đã chia sẻ, tôi không phải người thích đứng trong spotlight, mà thích đứng sau giúp đỡ người khác, hỗ trợ họ làm việc lớn hơn nếu mình cũng tin vào giấc mơ đó. Hai người phụ nữ ấy đóng vai trò rất quan trọng trong đế chế của Amazon và Microsoft. Kể cả khi tình cảm bị đổ vỡ, họ đều có thể buông bỏ rất nhẹ nhàng, dùng số tiền có được sau bao nhiêu năm để làm từ thiện. Cách sống đấy tôi rất thích.
* Xin cảm ơn chị!
Quốc hội cho thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng, trong vòng 5 năm từ ngày 1/4/2025.