Tránh rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm
Thời gian gần đây đã xảy ra không ít vụ việc nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng tại một số tỉnh, thành phố khiến nhiều người đang gửi tiền ngân hàng không khỏi lo lắng. Cảnh báo về những rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, cùng cách phòng tránh một lần nữa được đặt ra.
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng có giải pháp phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn cho khách hàng.
Nhiều chiêu chiếm đoạt tiền
Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) tại thành phố Hồ Chí Minh nhận được yêu cầu của một cá nhân, về việc OCB phải hoàn trả số tiền tiết kiệm gần 6 tỷ đồng. Ngay sau đó, OCB kiểm tra và xác định sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đứng tên cá nhân trên bị làm giả. Xét thấy, đây có thể là vụ việc liên quan đến hành vi lừa đảo của một nhân viên cũ nên OCB đã hỗ trợ người liên quan trình báo với cơ quan công an.
Cũng theo OCB, trước đó ngân hàng đã phát hiện một nhân viên bộ phận xử lý giao dịch tín dụng đã lợi dụng các mối quan hệ quen biết để dụ dỗ gửi tiền hưởng lãi suất cao; sau đó lập sổ tiết kiệm giả chuyển cho nạn nhân. OCB đã chủ động tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền. Hiện, những vụ việc trên đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Đây chỉ là một trong số hàng chục vụ cán bộ, nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng thời gian gần đây. Điểm chung của những vụ việc này là một số nhân viên ngân hàng biến chất, lợi dụng vị trí công việc để chỉnh sửa thông tin tài khoản sổ tiết kiệm, làm giả giấy tờ để rút tiền của khách hàng; hoặc lợi dụng sự quen biết, tin tưởng của khách hàng để lừa đảo, làm giả sổ tiết kiệm và chiếm đoạt tiền của người gửi… Đáng lo ngại là những khoản tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng.
Từ trước đến nay, gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng luôn được khách hàng tin tưởng tuyệt đối về sự an toàn. Do đó, người gửi tiền cũng không lường trước những rủi ro có thể gặp phải do chính nhân viên ngân hàng gây ra. Những vụ việc nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng đã và đang khiến dư luận băn khoăn về cách xây dựng biện pháp an toàn cho người gửi tiền tại hệ thống ngân hàng hiện nay. Anh Nguyễn Hoàng Hải, khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho rằng: "Khách hàng đến phòng giao dịch, làm theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, rồi bị nhân viên chiếm đoạt tiền, điều này cho thấy có “lỗ hổng” trong quản lý, giám sát nội bộ của ngân hàng".
Đáng chú ý, trong khi quy định việc gửi tiền phải thực hiện tại ngân hàng thì không ít khách hàng vẫn chủ quan gọi điện thoại yêu cầu nhân viên ngân hàng đến giao dịch tại nhà. Việc này có thể mang lại sự tiện lợi cho khách hàng nhưng lại là kẽ hở có thể bị lợi dụng để chiếm đoạt tiền của người gửi.
Mặc dù các vụ việc đều được cơ quan công an điều tra và hầu hết là do những cán bộ, nhân viên ngân hàng biến chất gây ra, song rất cần đưa ra cảnh báo về rủi ro mà người gửi tiền có nguy cơ gặp phải.
Làm gì để tránh rủi ro?
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, ở các ngân hàng đều có quy trình nghiệp vụ, kiểm soát hoạt động kho quỹ, kiểm toán nội bộ… Vì vậy, việc nhân viên ngân hàng lợi dụng vị trí công việc, rút tiền của khách hàng cho thấy quy trình kiểm soát chưa chặt chẽ. Để tránh tình trạng cán bộ, nhân viên ngân hàng gian lận, các điểm giao dịch ngân hàng cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát hằng ngày thông qua hệ thống camera và giữa các bộ phận, nhất là ở khâu phát hành sổ tiết kiệm. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý tài khoản của khách hàng và xây dựng quy trình tuyển chọn nhân viên chặt chẽ hơn.
Về phía các ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc OCB Trương Đình Long cho biết, ngoài quy trình kiểm soát nội bộ, OCB đã xây dựng hệ thống thông tin trực tuyến, khách hàng sau khi mở sổ tiết kiệm có thể kiểm tra tài khoản của mình đã có trên hệ thống ngân hàng hay chưa. Còn ông Lê Hồng Phong, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) khuyến cáo, khách hàng nên mang tiền đến gửi trực tiếp tại ngân hàng, nhận sổ hoặc chứng từ đầy đủ; không nên giao dịch ở ngoài ngân hàng hoặc gửi tiền trước nhận sổ sau...
Về vấn đề này, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần cảnh báo thủ đoạn làm giả sổ tiết kiệm, lừa người gửi để chiếm đoạt tiền; đồng thời khuyến cáo, khi giao dịch với các ngân hàng, khách hàng cần kiểm tra giấy tờ ký kết, dấu ngân hàng và chữ ký của người có trách nhiệm.
Cùng với đó, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là khi xảy ra vụ việc có dấu hiệu chiếm đoạt tiền của khách hàng, các ngân hàng thương mại phải làm rõ các vi phạm của cán bộ, nhân viên ngân hàng; chủ động đề nghị cơ quan công an điều tra và xử lý theo đúng pháp luật. Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo toàn hệ thống một số thủ đoạn vi phạm trong quá trình gửi tiền, vay tiền tại các tổ chức tín dụng; yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai giải pháp ngăn ngừa vi phạm, đặc biệt là thực hiện nghiêm quy trình, quy định và việc luân chuyển cán bộ để hạn chế thấp nhất rủi ro.
Hà LinhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.