Triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật
Ngày 10/7, tại TikTok Creator House (Vincom Mega Mall Royal City - Hà Nội), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (SYS Việt Nam), Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số (eComDX) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật.

Ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật.
Theo nội dung ký kết, SYS Việt Nam, eComDX và Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức chuỗi tập huấn, cung cấp tài nguyên học tập và kết nối với cộng đồng nhà sáng tạo, đồng thời hỗ trợ xây dựng kênh phân phối sản phẩm phù hợp thông qua các nền tảng số, như TikTok Shop, livestream bán hàng, affiliate marketing…
Cụ thể, sẽ tập trung đào tạo học viên là người khuyết tật thấm nhuần các kỹ năng then chốt như xây dựng kênh nội dung cá nhân, lựa chọn sản phẩm phù hợp với mô hình affiliate marketing, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất video ngắn, tổ chức livestream bán hàng, cũng như sử dụng công cụ phân tích dữ liệu để tối ưu hiệu quả truyền thông và doanh thu.
Ngoài ra, người khuyết tật còn được hướng dẫn cách định vị giá trị cá nhân, xây dựng thương hiệu, kể câu chuyện cuộc sống như một chiến lược kết nối cảm xúc với khách hàng và phát triển nghề nghiệp bền vững trong môi trường số.

Chuyên gia thương mại điện tử, truyền thông số và công nghệ chia sẻ tại sự kiện.
Nội dung chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật cũng bao quát các nguyên tắc đạo đức trong việc sử dụng công cụ AI và cập nhật chính sách hoạt động của nền tảng TikTok - bao gồm các tiêu chuẩn về nội dung thương mại, quy trình xét duyệt sản phẩm và các cơ chế kiếm tiền chính thống như TikTok Shop, affiliate, livestream.
Bên cạnh đó, người khuyết tật được chia nhóm, xây dựng kịch bản, quay video và thử nghiệm livestream ngay tại studio thực tế. Các phiên thực hành có phần phản biện và góp ý trực tiếp từ giảng viên, giúp học viên từng bước hoàn thiện kỹ năng và làm chủ công cụ trong hành trình chuyển đổi số.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Phan Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm SYS Việt Nam - nhấn mạnh: Người khuyết tật cần cơ hội, cơ hội để học hỏi, để làm việc, để sống bằng sức lao động của mình. Với việc đồng hành cùng Hội Thanh niên Khuyết tật và eComDX, chúng tôi mong muốn biến tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW "về phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ phục vụ đời sống nhân dân" và Nghị quyết số 68-NQ/TW "về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân" thành hành động cụ thể, góp phần vào sự phát triển hài hòa và nhân văn của xã hội.

Quang cảnh sự kiện.
Tại sự kiện, ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam - khẳng định: Người khuyết tật không muốn nhận sự thương hại. Họ mong được công nhận, được trao quyền, được đóng góp. Có nghề, có sinh kế, có cơ hội làm chủ cuộc sống, đó là khát vọng chung của hơn 6 triệu người khuyết tật Việt Nam.
Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam nhấn mạnh, phần lớn người khuyết tật hiện nay chưa có điều kiện học nghề, tiếp cận công nghệ hay khởi nghiệp. Việc đồng hành của các tổ chức như SYS Việt Nam và eComDX sẽ mở ra những con đường mới, đưa họ hòa nhập vào đời sống kinh tế-xã hội một cách chủ động, bền vững.
Sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật không đơn thuần chỉ là sự hợp tác, mà là sự khởi đầu cho một cam kết xã hội mạnh mẽ, rằng người khuyết tật có thể và cần được đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Việc mở rộng cơ hội học tập, việc làm và khởi nghiệp cho người khuyết tật chính là sự thể hiện rõ ràng của một xã hội công bằng và nhân văn, theo đúng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Hạnh
Trong 6 tháng đầu năm, có 1.474 hộ kinh doanh truyền thống chuyển đổi thành doanh nghiệp, trong đó riêng tháng 6 có 910 hộ, chiếm gần 2/3 tổng số hộ chuyển đổi.