Triển khai Chương trình OCOP và Chương trình du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025
Sáng 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu.
Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG chủ trì hội nghị.
Tạo dấu ấn nông thôn Việt Nam trong giai đoạn mới
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay, giá trị xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ dừng lại với những kết quả đã làm về phát triển kinh tế, mang lại một diện mạo mới mà nó còn là giá trị lịch sử, văn hóa hay còn được ghi nhận thành di sản.
Nếu như người Trung Quốc gọi xây dựng NTM là chấn hưng nông thôn, thì tại Việt Nam có thể xem đây là cuộc "cách mạng nông thôn" với ý nghĩa là làm thay đổi nông thôn theo chiều hướng tốt đẹp hơn, tạo ra những miền quê đáng sống, đáng tìm đến, đáng quay về và tạo ra giá trị phát triển bền vững của quốc gia. Nếu như đô thị là nơi để so sánh đẳng cấp văn minh giữa các quốc gia thì nông thôn là nơi so sánh bản sắc giữa dân tộc này với dân tộc khác.
2 chuyên đề được triển khai gắn liền với xây dựng nông thôn mới vừa tạo ra thêm không gian phát triển kinh tế, vừa phát triển thiết chế xã hội, cố kết cộng đồng để cùng hình thành sản phẩm OCOP cũng như hình thành các sản phẩm khác của nông thôn, mặc dù có sự khác biệt nhất định nhưng hòa quyện chung trong phát triển kinh tế nông thôn.
"Nội dung được trao đổi tại hội nghị này được xem như tạo dấu ấn cho một giai đoạn mới, để làm sao cuối nhiệm kỳ không chỉ báo cáo có bao nhiêu huyện, xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu mà chúng ta đã có bao nhiêu di sản nông thôn để tự tin giới thiệu với thế giới để kết hợp với những di sản đã có tạo nên một diện mạo mới cho Việt Nam", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Mặc dù chỉ diễn ra trong một buổi sáng, song hội nghị sẽ khởi tạo những nội dung tốt đẹp hơn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong giai đoạn tới đúng theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương. Bộ NN&PTNT sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, góp ý của các ngành, địa phương. Đây là câu chuyện không chỉ của riêng ai, mỗi sáng kiến của tổ chức, cá nhân sẽ được chuyển hóa thành kết quả và cùng hướng đến mục tiêu chung.
Kết hợp xây dựng sản phẩm OCOP với hình thành điểm du lịch nông thôn
Đến 31/8/2022, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 0,2% sản phẩm 5 sao... Đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, trong đó nhiều vùng đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các điểm du lịch nông thôn đặc sắc như Miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội nghị, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn đã công bố Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Trần Nhật Lam cũng đã báo cáo tóm tắt dự thảo Kế hoạch và giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện 2 Chương trình: Chương trình OCOP và Chương trình du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương: Hà Tĩnh, Hòa Bình, Nam Định, Đăk Lăk... đã chia sẻ thành công và kinh nghiệm trong việc xây dựng các sản phẩm OCOP và hình thành các điểm du lịch nông thôn trong xây dựng NTM.
Cần chăm chút và thay đổi tư duy sản xuất
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng thời đại này là thời đại bi kịch của những người sản xuất, bởi khắp thế giới có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. Do đó, người sản xuất cần phải hết sức chăm chút cho sản phẩm của mình bằng kỹ thuật, tình cảm, cảm xúc; làm thế nào để "quý hồ tinh bất quý hồ đa" như câu ca ông cha từng nói để nâng cao giá trị sản phẩm. Gợi mở bằng dẫn chứng về ý tưởng tích hợp đa dạng sản phẩm (combo) tích hợp trong một sản phẩm OCOP, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn mỗi sản phẩm OCOP sẽ cho thấy được giá trị ở phía sau về tính tạo việc làm, đem lại niềm vui cho người lao động, có tính bao trùm hơn, gắn kết cộng đồng hơn. Đó chính là giá trị chiều sâu mà sản phẩm OCOP cần hướng tới.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan cần phải chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển tư duy của người đi bán hàng sang tư duy của người đi mua hàng để tạo ra nét riêng biệt cho sản phẩm của mình. Đồng thời, phải đi theo xu hướng tiêu dùng của thế giới để sản xuất và xây dựng sản phẩm.
Về việc hình thành các điểm du lịch nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng làm sao chúng ta bán được niềm tự hào của quê hương, xử sở đó mới là giá trị cao nhất. Trong phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương.
Sự kết hợp giữa thực hiện Chương trình OCOP và Chương trình hình thành du lịch nông thôn chính là nằm trong tổng thể Chương trình MTQG xây dựng NTM. Nó không chỉ là đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng nông thôn mà còn là kiến tạo thiết chế xã hội nông thôn, xây dựng không gian phát triển kinh tế nông thôn.
Nhân dịp này, hội nghị cũng đã công bố Quyết định của Bộ trường Bộ NN&PTNT về công nhận sản phẩm OCOP quốc gia năm 2020. Theo đó, cả nước có 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Vũ BìnhTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.