Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu

Ngân hàng
03:41 PM 03/01/2023

Triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", đây là một trong các mục tiêu năm 2023 của ngành ngân hàng.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2022, ngành ngân hàng đã đạt được các kết quả tích cực. Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên (như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao); các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.

Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu - Ảnh 1.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước.

Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, NHNN triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn tại TCTD. Đến cuối tháng 6/2022 các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là hơn 722 nghìn tỷ đồng với gần 1,1 triệu khách hàng; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là trên 92 nghìn tỷ đồng với gần 562 nghìn khách hàng). Tái cấp vốn đối với Ngân hàng chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo NHNN, năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen, NHNN đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ trong năm mới.

Thứ nhất, NHNN tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ hai, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ ba, triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025". Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD...

Thứ tư, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng để áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.