Triển lãm 105 năm Khởi nghĩa Thái Nguyên
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức Khai mạc triển lãm với chủ đề "105 năm Khởi nghĩa Thái Nguyên".
Triển lãm là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2022) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2022); kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên (20/8/1945-20/8/2022); 105 năm khởi nghĩa Thái Nguyên (30/8/1917-30/8/2022).
Triển lãm trưng bày giới thiệu trên 80 hình ảnh, tư liệu quý về cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917; những thành tựu nổi bật về kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Thái Nguyên thời kỳ đổi mới.
Triển lãm lần này nhằm tuyên truyền, khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Thái Nguyên đồng thời nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh có tiềm lực về kinh tế, xứng đáng với vị thế của tỉnh trung tâm vùng Việt Bắc, như lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Nguyên năm 1964.
Ngược dòng lịch sử, ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ tàu chiến ở ngoài cửa biển Đà Nẵng (Quảng Nam) đã phát bắn đại bác đầu tiên lên các đồn Điện Hải, An Hải và cho quân đổ bộ đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Ngày 25/8/1883, Triều đình Huế và Cao ủy Pháp đã ký Hiệp ước Harmand (Hác măng) chính thức thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp. Ngày 6/6/1884, triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Patơnốt, từ đây chấm dứt sự tồn tại của triều đại phong kiến nhà Nguyễn với tư cách là một quốc gia độc lập, thay vào đó là chế độ thuộc địa nửa phong kiến.
Với chế độ thực dân, phong kiến đã đẩy cuộc sống của người dân Việt Nam vào hoàn cành khổ cực, bị áp bức, bóc lột đến tận sương tủy, từ đó nhiều phong trào đấu tranh yêu nước đã diễn ra. Nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1885 - 1896); Kéo dài và quyết liệt nhất là phong trào nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (1884 - 1913)…
Đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp ở Thái Nguyên vẫn tiếp tục duy trì, diễn ra ở nhiều nơi. Đỉnh cao của phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân Thái Nguyên là cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên do Đội Cấn lãnh đạo, nổ ra vào đêm 30 rạng ngày 31 tháng 8 năm 1917. Cuộc Khởi nghĩa kéo dài hơn 6 tháng đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, chấn dộng dư luận thế giới.
Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp ở nước ta, thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân Thái Nguyên, đồng thời còn là một đòn nặng đánh vào âm mưu "dùng người Việt trị người Việt" của thực dân Pháp. Đây là "cuộc khởi nghĩa lớn nhất, chiến đấu dẻo dai nhất trong thời kỳ đại chiến lần thứ nhất ở nước ta".
Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã giải phóng được một tỉnh lị, tuyên bố độc lập, đặt ra Quốc kỳ, thành lập quân đội riêng. Mặc dù thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa đã có sức cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vững bước trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 đã viết nên một trang sử vàng oanh liệt chống thực dân Pháp xâm lược, không chỉ để lại cho thế hệ sau những giá trị tinh thần cao đẹp, mà còn để lại cả một di sản về truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Quang HưngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.