Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam”
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1809 - 19/5/2020), ngày 18/5, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam”. Đây là sự kiện do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngô Duy Hiểu cùng các đại biểu tham quan triển lãm.
Đến dự buổi lễ có các đồng chí đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Phát biểu khai mạc, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: Sự kiện trưng bày này không những giúp cho công chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, đoàn viên Công đoàn Việt Nam hiểu biết sâu sắc hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với sự ra đời, vai trò và nhiệm vụ của giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn Việt Nam mà còn hiểu hơn về tình cảm của Bác đối với cán bộ, công nhân, tổ chức công đoàn.
Đồng chí nêu rõ: “Tuy tổ chức Công hội đỏ Bắc kỳ (tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay) ra đời vào ngày 28/7/1929, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3/2/1930, nhưng trước đó Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chính là người đặt cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Người chỉ dẫn: “Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời phụ trách công tác vận động công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã chủ trì Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay).
Phát biểu trong Lễ khai mạc, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nêu rõ: Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mong muốn giúp cho công chúng, đặc biệt là công nhân, đoàn viên Công đoàn ngoài việc hiểu biết sâu sắc về tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với sự ra đời, vai trò và nhiệm vụ của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam; còn hiểu sâu hơn về tình cảm của Bác đối với cán bộ, công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam; những tấm gương tiêu biểu trong thi đua học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Triển lãm đã trưng bày hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được lựa chọn, trưng bày theo 3 nội dung: Sự hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; Giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam làm theo lời Bác. Nhiều hiện vật, nhóm hiện vật cho thấy tinh thần đoàn kết của giai cấp công nhân trong đấu tranh chống áp bức, bóc lột và nô dịch, như: Bức tranh công nhân đồn điền cao su Phú Riềng (Bình Phước) đình công năm 1930; đèn đất công nhân mỏ than Cẩm Phả, Hòn Gai (Quảng Ninh) dùng khi tham gia biểu tình năm 1936; máy in tờ rơi sản xuất năm 1949...
Một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về công nhân và công hội như: Sách "Bản án chế độ thực dân Pháp", Báo Thanh Niên, sách "Đường Kách mệnh" (đây là bảo vật quốc gia); phần thưởng, giấy khen được trao tặng cho những cá nhân xuất sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới từng bước trưởng thành của Công đoàn Việt Nam. Cùng với đó, còn có nhiều tư liệu, hiện vật là phát minh, sáng kiến của giai cấp công nhân, những hình ảnh về 19 tập thể, cá nhân xuất sắc, đại diện cho những tấm gương ưu tú khắp mọi miền đất nước, đã được tôn vinh tại chương trình "Vinh quang Việt Nam 2019".
Triển lãm trưng bày mở cửa đến hết tháng 8/2020, Ban Tổ chức Triển lãm mong muốn được đón tiếp các tập thể, cá nhân cán bộ, đoàn viên công đoàn và các thế hệ giai cấp công nhân Việt Nam đến tìm hiểu, học tập, nghiên cứu để hiểu sâu hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với sự ra đời, vai trò và nhiệm vụ của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam và tình cảm của Bác đối với cán bộ, công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".