Triển vọng ngành bán lẻ cuối năm 2021
Bốn lần vượt sóng COVID-19 đã cho thấy sự phục hồi nhanh của ngành bán lẻ, tất yếu sẽ có những kỳ vọng vào sức bật, sự bùng nổ của thị trường hậu giãn cách. Song các chuyên gia vẫn thận trọng trong nhận định sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ những tháng cuối năm.
- Hậu COVID-19 đã tạo nên xu hướng mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam
- Mùa mua sắm cuối năm ở Mỹ "thất điên bát đảo" vì đứt gãy chuỗi cung ứng, Amazon sống khoẻ nhờ bán lẻ trực tuyến bùng nổ
- Các mảng khoáng sản, bán lẻ, hàng tiêu dùng đều tăng trưởng mạnh, Masan Group (MSN) lần đầu lãi ròng nghìn tỷ từ khi mua lại hệ thống VinMart
Dè dặt hơn trong nhận định triển vọng thị trường bán lẻ những tháng cuối năm
Thống kê của Công ty Chứng khoán Agriseco chỉ ra ngành bán lẻ đứng thứ ba trong các nhóm cổ phiếu có mức sinh lời cao sau khi dịch bệnh được kiểm soát với mức trung bình đạt 27,7%, đứng trên một số nhóm ngành như Dịch vụ tài chính (25,9%), Sản xuất dầu khí (23,8%), Ngân hàng (21,3%).
Từ nửa sau tháng 9 số ca nhiễm mới SARS-CoV-2, số ca bệnh nặng liên tục giảm, Chính phủ đã chuyển chiến lược từ "không COVID-19" sang "sống chung với COVID-19", các địa phương thực hiện linh hoạt chống dịch trong điều kiện mới, đời sống của người dân đang dần trở lại bình thường, hàng loạt cửa hàng, siêu thị của các nhà bán lẻ dần mở cửa đón khách sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng trong những tháng cuối năm.
Nhưng trước những khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19, nguy cơ lạm phát gia tăng, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đã thận trọng và dè dặt hơn trong nhận định về triển vọng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm so với năm trước và cũng có sự phân hóa giữa các nhóm ngành.
Theo đó, có 61,90% doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá nhóm ngành hàng lâu bền sẽ khó khăn hơn rất nhiều, trong khi nhóm bán lẻ hàng tiêu dùng có phần tươi sáng hơn với 56,52% ý kiến cho rằng ngành bán lẻ tiêu dùng sẽ khó khăn hơn một chút, 26,09% đánh giá khó khăn hơn nhiều và có 8,70% đánh giá khả quan hơn một chút.
Đánh giá về triển vọng ngành bán lẻ, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cũng nhận định, trong ngắn hạn, sự phục hồi của ngành bán lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trước diễn biến dịch bệnh hiện tại. Tuy vậy, trong trung và dài hạn, ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tốt. Bởi lẽ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch giúp các yếu tố vĩ mô trở nên tích cực hơn, trong đó bao gồm mức thu nhập của người tiêu dùng sẽ là một động lực tăng trưởng lớn cho ngành bán lẻ về dài hạn.
Đại dịch COVID-19 gây nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp bán lẻ, các chính sách giãn cách xã hội đã làm thay đổi phương thức tiếp cận, bán hàng và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành từ vài năm trước đó. Câu hỏi đặt ra cho các nhà bán lẻ trước sự cạnh tranh khốc liệt là cần làm gì để chiếm lĩnh thị trường, nhất là khi có sự xuất hiện của dịch bệnh? Ngoài yếu tố tiên quyết là lựa chọn được vị trí có mật độ dân số và sức mua tốt, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, cũng như sự cạnh tranh từ thương mại điện tử, yếu tố nào là chìa khóa thành công của nhà bán lẻ trong đại dịch và tương lai?
Chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh
Các chuyên gia cho rằng, trong thời kỳ bình thường mới, việc không ngừng xác định lại nhu cầu của khách hàng đồng thời nâng cao yếu tố tiện lợi, trải nghiệm mua sắm sẽ là chìa khóa thành công của các nhà bán lẻ. Để cụ thể hóa mục tiêu này, doanh nghiệp bán lẻ cần xây dựng những chiến lược hành động và nâng cao khả năng thích ứng trước bối cảnh mới. Theo đó, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động của cửa hàng, siêu thị; phát triển các mô hình bán lẻ mới; đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục; thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Bản thân nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường đã và đang nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh. Theo đó, top 6 giải pháp được nhiều doanh nghiệp sử dụng để ứng phó với tác động của đại dịch là: Đảm bảo an toàn: Khử trùng xe đẩy hàng và đóng gói sản phẩm riêng lẻ để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, tiêm phòng cho nhân viên; đẩy mạnh bán hàng trực tuyến kết hợp giao hàng tại nhà; tăng cường số hóa và làm việc từ xa; giữ vững bình ổn giá, không tăng giá; tăng cường chuẩn bị các kịch bản, dự đoán nhu cầu và tích trữ hàng cho 3-6 tháng; tạm ngưng phục vụ tại một số trung tâm, siêu thị, cửa hàng tại các vùng có dịch.
Song song với các giải pháp từ các doanh nghiệp bán lẻ, cần có các giải pháp hỗ trợ từ nhà nước như: Bổ sung chính sách hỗ trợ và quản lý thị trường kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ kích cầu người tiêu dùng; bổ sung hỗ trợ thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế; hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số; đẩy mạnh chương trình đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại.
Theo các chuyên gia, năm 2022 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành bán lẻ với những tác động của đại dịch COVID-19, điều đó có nghĩa là các nhà bán lẻ phải thích ứng để tồn tại và giữ chân khách hàng. Dưới đây là các xu hướng bán lẻ được các chuyên gia dự đoán trong thời kỳ bình thường mới tiếp theo.
Xu hướng 1 là mô hình cửa hàng hỗn hợp Omnichannel (mô hình bán hàng đa kênh) sẽ tiếp tục phát triển cùng với sự tái cấu trúc hoạt động từ cửa hàng vật lý, nhà kho đến trụ sở văn phòng hỗ trợ.
Xu hướng 2 là nâng cao trải nghiệm kỹ thuật số tại cửa hàng, siêu thị.
COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, cùng với đó là nhu cầu và sở thích của khách hàng đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ. Khi nới lỏng các biện pháp giãn cách và phong tỏa, khách hàng có thể sẽ quay lại các cửa hàng bán lẻ với kỳ vọng cao hơn đáng kể về trải nghiệm tại cửa hàng. Trải nghiệm này phần lớn sẽ được thúc đẩy bởi mức độ mà các cửa hàng bán lẻ tích hợp một cách chặt chẽ với các công nghệ như tương tác công nghệ di động, số hóa sản phẩm, thông tin hàng tồn kho theo thời gian, quản lý khách hàng thân thiết và thiết kế tại cửa hàng.
Chọn các yếu tố số hóa phù hợp sẽ rất quan trọng để mang lại trải nghiệm khách hàng phong phú, nhanh chóng và qua đó góp phần nâng cao lòng tin của người tiêu dùng.
Hệ thống tự động hóa trong các trung tâm phân phối và cửa hàng cũng giúp cải thiện tốc độ và sự chính xác của quy trình thực hiện đơn hàng đa kênh.
Xu hướng 3 là người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính bền vững, sức khỏe, sự lành mạnh, và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Các công ty có trách nhiệm với xã hội sẽ được tôn trọng hơn và được hưởng lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, việc tập trung vào tính bền vững có thể làm giảm chi phí tiềm năng từ việc giảm sử dụng tài nguyên hoặc lãng phí. Các doanh nghiệp nên bắt đầu kết hợp trách nhiệm xã hội vào chiến lược của mình bằng cách đặt ra các mục tiêu rõ ràng và đưa ra các sáng kiến để hoàn thành các mục tiêu đó.
An MaiDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.