Triển vọng ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2021
Trước những khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 và nguy cơ lạm phát gia tăng, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp đã thận trọng và dè dặt hơn trong nhận định về triển vọng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm 2021 so với năm trước và cũng có sự phân hóa giữa các nhóm ngành.
Theo khảo sát của Vietnam Report, có 61,90% doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá nhóm ngành hàng lâu bền sẽ khó khăn hơn rất nhiều, trong khi nhóm bán lẻ hàng tiêu dùng có phần tươi sáng hơn với 56,52% ý kiến cho rằng ngành bán lẻ tiêu dùng sẽ khó khăn hơn một chút, 26,09% đánh giá khó khăn hơn nhiều và có 8,70% đánh giá khả quan hơn một chút.
Khoảng gần 40% doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng để doanh thu của ngành bán lẻ sau làn sóng COVID-19 lần thứ tư có thể phục hồi cần từ 7 đến 12 tháng, và có 20% doanh nghiệp thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh lạc quan hơn, nhận định thị trường phục hồi sau khoảng 6 tháng khi mà du lịch mở cửa, người dân hoạt động nhộn nhịp trở lại.
Theo các chuyên gia 4 yếu tố bên ngoài ảnh hưởng nhất đến kết quả cũng như chiến lược của doanh nghiệp trong thời gian tới, đó là: Khả năng kiểm soát dịch bệnh và tốc độ bao phủ vắc xin; Sự thay đổi hành vi và các phương pháp tiếp cận người tiêu dùng; Mức thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng; Sự phát triển của thương mại điện tử và xu hướng mua hàng trực tuyến.
Trong bối cảnh hiện nay khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư vẫn diễn biến phức tạp, thu nhập bị ảnh hưởng và người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu, ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm vẫn tăng trưởng mạnh, đến từ kênh bán hàng trực tuyến và nhu cầu của khách hàng cho những nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và nhóm ngành hàng phục vụ nhu cầu học tập và làm việc trực tuyến.
Savills Việt Nam cho rằng, ngành bán lẻ sẽ phục hồi mạnh hơn vào những tháng cuối năm bởi đây là thời điểm trùng với nhiều lễ hội vì vậy sẽ làm gia tăng nhu cầu mua của người dân nói chung. Với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn thì việc tiêu dùng, chi tiêu của người dân cũng sẽ bắt đầu quay trở lại, để bù lại nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén trong suốt thời gian giãn cách vừa qua. Quý 4/2021 được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ, từ đó sẽ giúp cho các ngành bán lẻ có các dấu hiệu tích cực hơn.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Savills, thời gian này cũng là lúc chính các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh dài hơi và hiệu quả. Không phải doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh nào cũng có cơ hội đối với thị trường sau giãn cách xã hội, mà điều kiện thuận lợi chỉ dành cho một số nhóm ngành hàng nhất định và nhu cầu thị trường đang tăng cao. Có tận dụng được cơ hội sản xuất kinh doanh trên thị trường hay không, còn phụ thuộc vào chiến lược kích cầu tiêu dùng và kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, từng nhóm ngành hàng.
Thời gian tới, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam mong muốn, các chính sách đưa ra cần tránh sự chồng chéo, nhiều bộ, ngành, địa phương ban hành những quy định khác nhau cho cùng một lĩnh vực, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi bên cạnh nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, sự linh hoạt về cơ chế, chính sách để phù hợp với hoàn cảnh sẽ giúp ngành bán lẻ tạo cầu nối tốt hơn giữa sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, bảo đảm an sinh.
An Mai (t/h)Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.