Triển vọng thị trường M&A trong năm 2021
Với những thay đổi về chính sách đầu tư, tư tưởng mở rộng trong hội nhập quốc tế cùng với uy tín hiện có, thị trường M&A Việt Nam trong năm 2021 được dự đoán sẽ có bước phát triển đột phá khi nền kinh tế đang dần phục hồi.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn. Theo đó, EVFTA sẽ gián tiếp đẩy các giao dịch M&A (mua bán - sáp nhập) được thông qua nhanh hơn. EVFTA sẽ bảo hộ cho các nhà đầu tư giữa các bên, giúp các doanh nghiệp có sự gắn kết đầu tư qua lại.
Nhiều chuyên gia nhận định, hầu hết những ai có mặt tại thị trường Việt Nam thời điểm này nhận thấy tiềm năng bùng nổ của các thương vụ M&A. Dự báo giai đoạn 2021 - 2022 thị trường sẽ phục hồi; trong đó khối ngoại, nhất là nhà đầu tư đến từ các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... tiếp tục tích cực tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế. Tuy nhiên, năm 2020, Việt Nam đã cơ bản đạt được “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát đại dịch COVID-19, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, kỳ vọng hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc bình thường là 5 tỷ USD.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam, trong 20 năm qua, Việt Nam có 4.000 thương vụ M&A, với gần 50 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á về giá trị. Việt Nam là quốc gia năng động trong hoạt động M&A. Riêng giai đoạn 2019 – 2020, thị trường M&A Việt Nam vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi nhà đầu tư ngoại, trong chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.
Ghi nhận thực tế trên thị trường Việt Nam, các thương vụ đáng chú ý của giai đoạn 2019 - 2020 là KEB Hana bank và BIDV; Vinacapital và Bệnh viện Thu cúc; Masan Consumer và VinCommerce & VinEco; Stark Corporation và Thipha Cables & Dovina; FWWD và VCLI; Vinamilk và GTN - Sữa Mộc Châu...
Những thương vụ M&A điển hình mà doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020 chủ yếu liên quan đến các tập đoàn Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group...
Bên cạnh những thương vụ thành công, nhiều kế hoạch M&A trong tương lai gần cũng đã được định hình như Kido Group lên kế hoạch sáp nhập các công ty thành viên, Thadi tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp...
Nhiều thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản cũng thu hút sự chú ý, quan tâm của các nhà đầu tư: Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% trong giai đoạn 2 Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba...
Tương tự, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc thời gian gần đây cũng tích cực tham gia thị trường M&A Việt Nam với nhiều hoạt động sôi nổi. Cụ thể, một số thương vụ đáng chú ý như SK Investment III (công ty con của SK Group) đã nhận được hơn 12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 25% cổ phiếu của Imexpharm Corporation; Lotte Chemical (thuộc Tập đoàn Lotte) đã mua lại Công ty VinaPolytech; GS Caltex đã chi 39 tỷ đồng (gần 1,7 triệu USD) để mua 16,7% cổ phần của VI Automotive Service (công ty mẹ của VietWash)...
Trong khi đó, nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục có những thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất. Điển hình, Thương vụ Tập đoàn Stark mua lại Công ty cáp điện Thịnh Phát và Dovina, Tập đoàn SCG mua lại Công ty Bao bì Biên Hòa...
Theo thông tin từ ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia của RECOF Corporation, Tổng Giám đốc RECOF Việt Nam, trong 10 tháng năm 2020, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 21 giao dịch M&A công bố, chỉ đứng sau Singapore. Xét về giá trị giao dịch, Việt Nam đứng thứ hai, với giá trị 282 triệu USD. Việt Nam thậm chí còn chiếm vị trí cao hơn so với năm 2019 trong bảng xếp hạng giá trị giao dịch.
Có thể thấy, thương vụ M&A tại Việt Nam tập trung vào ngành bất động sản, tài chính – ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ. Ngoài ra, còn có một số thương vụ đáng chú ý gồm trong lĩnh vực logistics, nông nghiệp, dược phẩm – y tế, xây dựng...
Mặc dù có có những yếu tố khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp không tự tin thực hiện M&A, như: dịch bệnh COVID-19, sự chững lại của thị trường nội địa... song ông Warrick Cleine tin rằng, với những gì Việt Nam thể hiện trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh, có nhiều kịch bản ứng phó khác nhau sẽ khiến nhiều nhà đầu tư quay lại thị trường này để thực hiện các thương vụ M&A.
Hơn nữa, năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), với nhiều cải cách về thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A. Lần đầu tiên, danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn - bỏ. Đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách trên.
Tất cả những dấu hiệu khả quan trên sẽ hứa hẹn mang lại những cơ hội cho hoạt động M&A, làm phong phú thêm danh mục "mua sắm" cho nhiều nhà đầu tư trong năm 2021.
T. DươngĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.