Triệu Sơn: Khơi thức sức dân để kiến tạo nông thôn thịnh vượng
Trên tinh thần xây dựng NTM là hành trình liên tục, không có điểm dừng cũng chẳng có điểm kết thúc. Muốn đạt được hiệu quả thực sự thì phải phát huy tối đa vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của cấp ủy, chính quyền đồng thời phải tổng hợp, khơi thức được sức dân, nâng cao quy chế dân chủ trong công tác xây dựng. Với chủ trương xây dựng con người mới - tư duy mới; lấy sức dân để lo cho dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí để cán đích NTM nâng cao vào cuối năm 2024.
Bức tranh kinh tế toàn cảnh
Năm 2021, huyện Triệu Sơn về đích NTM, sớm hơn dự kiến 1 năm. Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng NTM nâng cao với nhiều trăn trở, tâm huyết đến nay huyện đã có nhiều bước đột phá rõ rệt về hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 21,7% năm 2020 xuống còn 16,61% năm 2023; công nghiệp, xây dựng tăng từ 52,7% lên 60,84%. Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 1.921 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 11,49%. Năm 2023, huyện Triệu Sơn là một trong 4 huyện có sản lượng lương thực cao nhất tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 61,38 triệu đồng, mục tiêu đến năm 2025 đạt 75 triệu đồng.
Công tác tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt kết quả khá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay huyện đã tích tụ được 962,5 ha. Hơn 1.400 ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, có một số mô hình khá như: mô hình trồng cây ăn quả tại xã Hợp Lý, Thọ Thế, Thọ Vũ... giá trị kinh tế đạt 250-300 triệu đồng/1ha; mô hình trồng dưa, trồng rau trong nhà màng tại xã Minh Xuân, Thọ Dân... giá trị đạt 450-600 triệu đồng/1ha; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng đào cảnh tại xã Hợp Lý, Thọ Tân, Vân Sơn giá trị bình quân đạt từ 800-1 tỷ đồng/1ha...
Lần đầu tiên, năm 2023, huyện Triệu Sơn đã tổ chức Hội chợ Hoa đào cấp huyện, xây dựng chợ nông sản điện tử và chỉ dẫn địa lý cho cây hoa đào. Qua đó, quảng bá, tạo dựng thương hiệu cho cây hoa đào nói riêng, nền nông nghiệp huyện Triệu Sơn nói chung. Giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; cảnh quan, môi trường đảm bảo, diện mạo làng xã khang trang, khởi sắc; nhân dân phấn khởi, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Công tác xây dựng NTM nâng cao đã đạt được những bước tiến vững chắc. Đến nay, toàn huyện có 11/32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 26,7% và 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hết năm 2023, toàn huyện có 26 sản phẩm OCOP 3 sao. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ có thêm 7 xã đạt NTM nâng cao, 2 thị trấn đạt đô thị văn minh, hoàn thành mô hình xã thôn thông minh tại xã Vân Sơn, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, có thêm 10 sản phẩm OCOP 3 sao.
Không chỉ vậy, hoạt động thương mại, kết nối đầu tư luôn được huyện quan tâm, chú trọng. Năm 2023, lần đầu tiên huyện đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn. Ngay tại hội nghị, huyện đã ký biên bản ghi nhớ với 5 doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI. Hội nghị được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.
Sau hội nghị kết nối đến nay, Nhà máy sản xuất đèn LED tại xã Thọ Dân với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng đã chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2024, giải quyết việc làm cho hơn 650 công nhân với mức thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/tháng. Nhà máy sản xuất gia công lắp đặt dây điện ô tô tại xã Thọ Tiến với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng đã hoàn thành và bước đầu đi vào hoạt động thử nghiệm... tới đây khi đi vào hoạt động chính thức sẽ giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế vùng.
Giai đoạn 2021-2023, huyện Triệu Sơn thu hút được 14 dự án đầu tư với tổng số vốn 470 tỷ đồng, 3 dự án đã hoàn tất thủ tục, báo cáo tỉnh và dự kiến khởi công trước tháng 7/2024 với tổng mức đầu tư trên 1000 tỷ đồng. Hiện tại, huyện có 5 cụm công nghiệp được tích hợp vào Quy hoạch Phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích 215,5 ha. Ngoài ra, theo đồ án quy hoạch vùng Triệu Sơn đến năm 2045 trên địa bàn huyện có 1 KCN, 10 cụm CN, 1 cụm làng nghề, phát triển khoảng 789 ha đất công nghiệp.
Việc có nhiều dự án quy mô lớn được đầu tư và sớm đi vào hoạt động trong bối cảnh hiện nay thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm, kiên trì trong xúc tiến kêu gọi đầu tư của lãnh đạo huyện. Đồng thời, là cơ sở quan trọng để huyện tiếp tục thu hút "đại bàng" vào sản xuất, kinh doanh.
Thành quả này chính là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân trong huyện. Đảng bộ và nhân dân trên dưới một lòng. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng với tôn chỉ cán bộ phải là người: "Gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân". Đây vừa văn hóa, vừa là đạo đức của người cán bộ đảng viên: gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm. Đó là thước đo, là điều căn cốt, góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân trên con đường XD NTM, phát triển kinh tế - xã hội.
Khơi thức sức dân
Với tư duy tìm kiếm giá trị sẵn có tại mỗi địa phương, từ đó tạo thành nguồn lực, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo sức bật mới. Vì thế, để tăng cường tính bền vững của NTM, lãnh đạo huyện Triệu Sơn xác định gốc rễ phải là nội lực của miền quê đấy, phải là sức dân.
Việc huy động sức dân không giản đơn chỉ là huy động về ngày công, tiền bạc, hiến đất làm đường mà quan trọng hơn là huy động được sáng kiến của chính nông dân, phải hiểu được cái nhiệt huyết, mong muốn cống hiến của dân, từ đó có những chủ trương sát đúng với thực tiễn và có cơ chế phát huy tính sáng tạo, đóng góp, chủ động tích cực cũng như làm tăng lên sự gắn kết và niềm tin giữa dân với Đảng.
Mới đây, trong buổi làm việc - huyện Triệu Sơn mời các cơ quan thông tấn báo chí về tham quan các mô hình tiên tiến về phong trào XD NTM của huyện, phóng viên chúng tôi càng có dịp được "mục sở thị" về tinh thần XD NTM của bà con nơi đây. Đồng thời, được lắng nghe những chia sẻ chân tình, cởi mở của đồng chí Lê Văn Tuấn - Bí thư huyện ủy về khó khăn, thuận lợi, thách thức mà cán bộ và nhân dân trong huyện đã trải qua. Điều anh tâm đắc nhất đó là qua thực tiễn xây dựng NTM, cán bộ, đảng viên ngày càng sát thực tiễn, trưởng thành, gắn bó, gần dân và biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân hơn.
Bí thư nhấn mạnh: Để "thắp lửa" và "truyền lửa" khơi dậy được sức mạnh tổng hợp, đội ngũ đảng viên, cán bộ lãnh đạo phải là đội ngũ tiên phong. Ban chỉ đạo XD NTM huyện thống nhất, tại mỗi địa phương cụ thể, phải chia nhỏ những vấn đề cần làm, đặc biệt ở những khu vực đặc thù để có những tư vấn, hướng dẫn sâu cho cơ sở. Mỗi vùng, sẽ có cách tiếp cận khác nhau, làm sao phát huy được thế mạnh vùng miền, huy động được sức dân, kích hoạt được những giá trị đặc trưng và tích hợp, cộng hưởng những cái đó lại thành giá trị NTM.
Trên chuyến xe xuất phát từ Sở Truyền thông, đoàn công tác chúng tôi, được cán bộ phòng Văn hóa huyện Triệu Sơn đưa đi thăm một vài nhà máy và các khu nông nghiệp công nghệ cao, những mẫu vườn bạt ngàn cây đào đang được bà con chăm sóc tỉ mẫn. Từ trục đường chính dẫn vào xã, đến các con đường liên thôn, liên xóm đều được nhựa hóa, sạch sẽ, thoáng mát, thậm chí còn là sân phơi lúa cho bà con trong ngày mùa thu hoạch. Hai bên đường huyện quy hoạch trồng 2 hàng cau thẳng tắp, vừa mang lại bóng mát vừa cho giá trị kinh tế trong tương lai không xa. Nhìn những gương mặt hồ hởi của bà con nông dân khi được tham gia góp công, góp sức xây dựng quê hương càng làm sáng lên bức tranh thôn quê bình yên, đáng sống.
Được biết, trong ngày 3/6 xã Hợp Tiến đã ra quân trồng được 220 cây cau, ở 2 bên tuyến đường mẫu với chiều dài hơn 1 km, tổng giá trị gần 27 triệu đồng. Hiện tại, trên địa bàn thôn 3 Hội nông dân, Hội phụ nữ xã đã trồng và chăm sóc 10.000 cây mắt ngọc, hoa phong lan và hoa bằng lăng tím ở 2 bên tuyến đường, các loại cây này đang phát triển tốt tạo điểm nhấn cho một vùng quê yên bình, đáng sống. Hệ thống đèn điện chiếu sáng 2 bên tuyến đường được lắp đặt, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm trong cộng đồng dân cư được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Tại xã Thọ Cường, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn, 7/7 thôn, hội viên phụ nữ đã ra quân trồng hơn 5km hàng rào xanh với trên 72 nghìn cây mắt ngọc, trong đó có 3km thuộc tuyến đường xã và 2 km thuộc tuyến đường thôn. Xã phấn đấu, từ nay đến cuối năm 2024, trồng thêm 2 km hàng rào xanh và trên 1000 cây cau. Góp phần hoàn thiện và nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng xã NTM nâng cao, tạo dựng cảnh quan nông thôn sạch đẹp, trù phú, mang đậm các giá trị văn hóa truyền thống.
Điểm nhấn sau 2 năm triển khai thực hiện XD NTM nâng cao đó chính là phong trào hiến đất mở đường. Nhiều xã đã có cách làm hay, sáng tạo, lan tỏa mạnh mẽ và được ví như một cuộc cách mạng của nhân dân, đưa Triệu Sơn trở thành điểm sáng về phong trào hiến đất trong tỉnh, được nhiều địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Đến cuối Quý I/2024, toàn huyện có 15.514 hộ, 100% thôn, tổ dân phố đã hiến 48,9 ha đất để chỉnh trang, mở rộng 462 km đường giao thông theo tiêu chí NTM nâng cao. Trong đó, phải đặc biệt kể đến sự tham gia, đóng góp hơn 2000 ngày công lao động của các Chiến sỹ dân quân tự vệ giúp đỡ nhân dân phá dỡ công trình, dọn dẹp hành lang giao thông, hỗ trợ xây dựng lại công trình sau hiến đất.
Thực hiện các mục tiêu còn lại của nhiệm kỳ 2020 - 2025 huyện đang phấn đấu được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024; năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại IV, đến năm 2030 trở thành thị xã trực thuộc tỉnh. Nửa sau nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Triệu Sơn đang nỗ lực từng ngày để tạo ra những thành tựu lớn hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và kiến tạo một nông thôn thịnh vượng.
Yến HoàngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.