Tròn 70 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến 6h sáng ngày 11/11, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới. Đến nay, chúng ta đã có tròn 70 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 6h ngày 11/11: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.
- Tính từ 18h ngày 10/11 đến 6h ngày 11/11: 0 ca mắc mới.
Đến hôm nay Việt Nam đã trải qua 70 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.
Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 85 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 102 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.540, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 217
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.334
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 989.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.087 bệnh nhân/1.226 bệnh nhân COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 9 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 11 ca, số ca âm tính lần 3 là 9 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Theo các chuyên gia y tế, mùa đông lại là thời điểm rất thuận lợi để dịch bùng phát trên thế giới và Việt Nam, là cơ hội sinh sôi của các loại virus cúm, bệnh đường hô hấp. Việc chủ quan, mất cảnh giác, lơ là trong các biện pháp phòng, chống dịch sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 của các nước khu vực và thế giới Covid-19 rất nguy hiểm, nguy cơ sẽ tăng lên với Việt Nam khi số lượng người nhập cảnh tăng lên. Ở nhiều tỉnh thành phố, ở nhiều nơi người dân vẫn không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người....
Trong thời gian qua, số ca mắc mới tại Việt Nam đều là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam. Để phòng ngừa dịch Covid-19 xâm nhập, các cơ quan chức năng khu vực cửa khẩu cần siết chặt các biện pháp kiểm soát, xét nghiệm, cách ly phòng dịch nghiêm ngặt, quyết không để dịch bệnh xâm nhập. Mỗi người dân nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh ở cộng đồng bằng các biện pháp cá nhân và tự phòng bệnh. Cụ thể là người dân không chủ quan, tập trung duy trì nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế.
Tại các cơ sở y tế, các bệnh viện, cần tiếp tục rà soát, xác định rõ các nguy cơ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ dịch bệnh. Đặc biệt, các cơ sở y tế là những nơi cần được nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh, đây là nơi đầu tiên mà người mắc bệnh có khả năng tới nhất. Cơ sở y tế cần tranh thủ thời gian dịch ổn định, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt tuyến cơ sở về kiểm soát nhiễm khuẩn...; nâng cao năng lực sử dụng trang thiết bị y tế, máy thở, điều trị ca nặng cho các bệnh viện.
P. ThủyDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.