Trong 11 tháng, Việt Nam xuất siêu hàng hóa kỷ lục hơn 20 tỷ USD
Tính chung 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu chỉ đạt 10,8 tỷ USD...
Theo báo cáo Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/11, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD, .
Cụ thể, về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, riêng trong tháng 11/2020 ước tính đạt 24,8 tỷ USD, giảm 9% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 lại tăng 8,8%.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73 tỷ USD, tăng 1,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,6 tỷ USD, tăng 6,9%.
Trong 11 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm 64,3%), như: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may…
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước: rau quả đạt 3 tỷ USD, giảm 11,7%; hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, giảm 1,7%; cà phê đạt 2,5 tỷ USD, giảm 2,9%...
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 11 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 138 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 54,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 90,2 tỷ USD, tăng 1,5%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,7 tỷ USD, giảm 0,1%, nhóm hàng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16%. Thị trường EU đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%. Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%. Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%.
Về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, tính chung 11 tháng ước tính đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó riêng nhóm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 57,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15,7 tỷ USD, tăng 0,5% và chiếm 6,7%.
Với thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 73,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 42 tỷ USD, giảm 2,9%; thị trường ASEAN đạt 27,3 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3%; Hoa Kỳ đạt 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%.
Tính chung 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỷ USD), trong đó khu vực trong nước nhập siêu 12,4 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,5 tỷ USD.
Phúc MinhTổ chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy là tổ phó.