Trồng cây sắn dây thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Ông Mai Văn Chùy (thôn Cổ Dũng 2, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng sắn dây, mang lại hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sắn dây không chỉ là thực phẩm mà còn là loại cây dược liệu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Lá, thân cây và củ sắn dây có thể dùng để giải rượu, trị rắn cắn, điều trị nhiệt miệng, sốt, đái tháo đường, tăng huyết áp, đau mỏi vai gáy,… nên từ lâu nhiều gia đình đã sử dụng sắn dây, bột sắn dây như một thực phẩm không thể thiếu.
Sau khi nghiên cứu, học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn dây tại Hải Dương, ông Chùy đã đem những gốc sắn đầu tiên về trồng với hy vọng tạo ra mô hình phát triển kinh tế mới cho địa phương vào khoảng hơn 20 năm trước.
Theo ông Chùy, sắn dây là loại cây dễ trồng, không kén đất, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, ít dịch bệnh. Muốn trồng sắn dây cho năng suất cao, thì cần phải có quy trình kỹ thuật trồng sắn dây cơ bản. Bước đầu, chọn lựa các loại đất phù hợp để trồng sắn dây chủ yếu là: đất mùn tơi xốp, đất phù sa, đất thịt pha cát, đất cát hút,…Tiếp đó, sang đắp đống: đế đống rộng khoảng từ 2.5 – 3 m, chiều cao đống từ 1.6 – 2 m, mặt đống rộng từ 40 – 50 cm.
Đến khi dùng phân bón lót thì phải có những loại phân bón như: phân tổng hợp đầu trâu bón từ 5 – 7 kg/ gốc, riêng có 3 loại phân: phân lân lâm thao 10 – 15 kg, phân đạm ure 1.5 – 2 kg và kali 2 kg đều bón cho 1 gốc. Rồi trộn đều tất cả các loại phân đó với đất trồng. Sang bước chọn giống thì phải trồng loại sắn chiết dây non lá tròn vừa.
Thời vụ trồng sắn dây trong khoảng từ tháng 2 đến hết tháng 4 âm lịch. Sau đó, làm giàn ngoi cho sắn dây cần phải: làm giàn chắc chắn cao hơn mặt đống trồng từ 50 – 70 cm, diện tích giàn cho 1 gốc cần từ 25 – 30 m2. Cuối cùng là chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Mỗi năm cây sắn dây cho thu hoạch 1 lần, quy trình đó kéo dài trong 1 năm.
Bột sắn thành phẩm của gia đình ông Chùy - Ảnh: Thành Trung
Hiện gia đình Mai Văn Chuỳ trồng khoảng hơn 6.000 m2, trong đó có 5.000 m2 là diện tích trồng cây sắn dây, diện tích còn lại phục vụ việc ươm giống.
Thu hoạch sắn dây của gia đình ông Chùy tại xã Đông la
Quá trình ươm giống rất nhiều công phu, từ việc lựa chọn giống, loại đất phù hợp cho việc ươm trong bầu đất. Chờ cây non sinh trưởng và đủ khỏe sẽ mang ra trồng. Gia đình tôi hàng năm sản xuất hơn 10.000 cây giống phục vụ bà con địa phương và các vùng lân cận. Toàn bộ quy trình kỹ thuật trồng sắn dây, vợ chồng tôi hướng dẫn bà con chi tiết, vì vậy, trong những năm qua, nếu điều kiện thời tiết tốt, bà con sẽ có nguồn thu nhập cao và ổn định từ việc trồng cây sắn dây. Các sản phẩm này được HTX tinh bột nghệ sắn dây xã Đông La thu mua lại và chế biến thành các sản phẩm sắn dây đạt chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2023.
Mỗi năm gia đình ông Chùy (chỉ với 2 lao động là ông Chùy và vợ là bà Dung) có thu nhập từ việc bán giống, trồng sắn dây và các dịch vụ phụ trợ trung bình khoảng hơn 200 triệu đồng.
Khu vườn ươm giống cây sắn dây của gia đình ông Chùy - Ảnh: Thành Trung
Ông Bùi Duy Kiên – Giám đốc HTX nông nghiệp xã Đông La cho biết: "Hiện nay, ở xã Đông La có gần 70 hộ dân trồng sắn dây, với diện tích gần 20 ha, phía HTX hỗ trợ dịch vụ làm đất và kết nối đầu ra cho sản phẩm săn dây trong xã.
Với mỗi sào Bắc bộ, sắn dây cho thu hoạch trung bình từ 800 – 1.000kg của, giá thị trường thời điểm hiện tại là khoảng 17.000 – 20.000đ/kg. Nếu so với trồng lúa và nhiều sản phẩm hoa màu khác, thì cây sắn dây cho hiệu quả kinh tế rất cao".
Mô hình trồng sắn dây tại xã Đông La đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập ổn định cho bà con nông dân tại địa phương.
Thành Trung - Kim DungCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.