Trọng dụng cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích Thủ đô

Cộng tác viên
02:33 PM 23/04/2020

Hà Nội tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch vừa năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế; trọng dụng cán bộ dám nghĩ, dám làm; xây dựng các kịch bản tăng trưởng, đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2020.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 22/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá kinh tế quý I/2020 của Hà Nội đối mặt với những khó khăn, thách thức từ diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường của dịch COVID-19, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Trước tình hình đó, cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô.

Công tác phòng, chống dịch được tập trung chỉ đạo khẩn trương và quyết liệt. Các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở nghiêm túc triển khai với tinh thần chủ động, quyết liệt, đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế với các biện pháp triển khai bài bản, khoa học, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, phù hợp diễn biến dịch bệnh.

Bên cạnh nhiệm vụ chống dịch, các hoạt động kinh tế theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ vẫn được duy trì, hàng hoá, giá cả, trật tự an toàn, an ninh xã hội cơ bản ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo. Tăng trưởng vẫn duy trì, GRDP của Hà Nội giữ được mức tăng 3,72%.

Thành phố đã kịp thời thông qua chủ trương, chính sách, tổ chức đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các đối tượng chịu tác động bởi dịch bệnh; chỉ đạo các đơn vị của Thành phố thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% chi tiêu thường xuyên ngoài kế hoạch tiết kiệm 10% từ đầu năm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội trân trọng cảm ơn nhân dân, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí truyền thông đã chung sức, đồng lòng cùng các các cấp, các ngành đoàn kết thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố. Đồng thời đánh giá cao và cảm ơn các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, nhất là lực lượng tuyến đầu... đã góp phần vào thành công bước đầu rất quan trọng của Thành phố và của cả nước trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

6 nội dung phục hồi, tái thiết kinh tế Thủ đô

Nhấn mạnh về nhiệm vụ trong thời gian tới là hết sức nặng nề, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi đơn vị cần tiếp tục khẩn trương, tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể cần chủ động bám sát diễn biến dịch bệnh; rà soát, cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chống dịch bệnh ở các quy mô khác nhau; ưu tiên mọi điều kiện, nguồn lực để chống dịch, nhất là trong tình huống dịch bùng phát mạnh trở lại. Quyết tâm dập dịch sớm nhất để khôi phục phát triển kinh tế.

Thực hiện nghiêm tinh thần "Hà Nội phải phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất, gương mẫu nhất” và “Thủ đô cũng tiếp tục gương mẫu, chủ động trong phục hồi kinh tế, xã hội sau dịch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Toàn Đảng bộ quyết liệt, tập trung cao độ chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố. Củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém (cụ thể là 9 quận, huyện, thị ủy, 30 tổ chức cơ sở đảng cần củng cố, 69 tổ chức cơ sở đảng cần quan tâm); giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện kéo dài, các vụ việc phức tạp (62 vụ việc tồn đọng, phức tạp); quyết tâm không để phát sinh thành các điểm nóng về khiếu nại tố cáo, an ninh trật tự.

Thành phố tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội. Quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần “góp gió thành bão”; cùng với đó là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Quan tâm các chính sách khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực, ngành nghề trong điều kiện thực hiện cách mạng 4.0, các lĩnh vực có nhu cầu và khả năng tăng trưởng cao trong điều kiện dịch bệnh.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trên mặt trận phục hồi và tái thiết kinh tế, phải quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với loại “virus trì trệ”, đây là loại virus hữu hình nhưng nguy hại không kém COVID-19 vô hình mà chúng ta đang phải đối mặt, Bí thư Hà Nội yêu cầu.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; giải quyết tốt những vấn đề phát sinh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững; có giải pháp phù hợp để đảm bảo chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch thời gian qua và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu từng cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị Thành phố cần phát hiện, biểu dương, trọng dụng các đồng chí dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung của Thủ đô; đồng thời sàng lọc, thay thế, thậm chí cần loại bỏ những cán bộ thiếu trách nhiệm, trì trệ, né tránh, nhũng nhiễu và tiêu cực để bộ máy của Đảng, Nhà nước ngày càng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, củng cố niềm tin cho người dân và cho doanh nghiệp khi niềm tin là nhân tố quyết định nhất đem lại thắng lợi trên mặt trận khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Quốc Thanh-Gia Huy

Ý kiến của bạn
Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu

Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.