Trong khi nhiều doanh nghiệp xây dựng điêu đứng vì giá thép tăng, Tôn Nam Kim vừa báo lãi gấp 50 lần cùng kỳ năm trước

Doanh nghiệp - Doanh nhân
01:30 PM 15/07/2021

Quý 2 năm ngoái, Nam Kim chỉ lãi 17 tỷ đồng thì quý 2 năm nay lợi nhuận sau thuế lên tới 848 tỷ đồng. Hàng loạt chỉ tiêu tài chính khác của Nam Kim đều lớn gấp hàng chục lần cùng kỳ năm trước.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Thép Nam Kim, kết quả kinh doanh của Nam Kim cao đột biến trong quý 2/2021 vừa qua.

Cụ thể, doanh thu thuần lên tới trên 7.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 1.306 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 977 tỷ đồng, gấp 100 lần cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 977 tỷ đồng và 848 tỷ đồng, cao gấp 90 lần và 50 lần so với quý 2/2020.

Trong khi nhiều doanh nghiệp xây dựng điêu đứng vì giá thép tăng, Tôn Nam Kim vừa báo lãi gấp 50 lần cùng kỳ năm trước - Ảnh 1.

Lũy kế 6 tháng, Nam Kim đạt doanh thu thuần 11.862 tỷ đồng, tăng trưởng 150%. Lợi nhuận trước thuế là 1.342 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.166 tỷ đồng, cao gấp 23 lần và 19 lần 6 tháng 2020.

Lý giải nguyên nhân kết quả kinh doanh cao đột biến, Nam Kim cho biết, doanh thu tăng là do công ty đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, lợi nhuận tăng do sản lượng sản xuất tăng làm cho chi phí sản xuất giảm, biên độ lợi nhuận gộp tăng dẫn đến lợi nhuận ròng tăng.

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng giá trị tài sản của Nam Kim là 14.080 tỷ đồng, tăng 81% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng 150% lên gần 6.000 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 120% lên 3.135 tỷ đồng.

Phía nguồn vốn, các khoản phải trả người bán ngắn hạn của Nam Kim tăng lên 4.468 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần đầu năm. Ngoài ra, vay nợ ngắn hạn cũng tăng gấp rưỡi, lên 3.741 tỷ đồng.

Trong khi nhiều doanh nghiệp xây dựng điêu đứng vì giá thép tăng, Tôn Nam Kim vừa báo lãi gấp 50 lần cùng kỳ năm trước - Ảnh 2.

Nam Kim báo lãi lớn trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng thời gian vừa qua tăng cao, đặc biệt là thép. Đồng thời, nhu cầu cả trong nước và thế giới cũng tăng lên. Điều đó góp phần đẩy giá tôn cũng tăng lên.

Tuy nhiên, giá thép tăng lại khiến các doanh nghiệp xây dựng trong nước gặp nhiều khó khăn khi lâm vào cảnh làm thì lỗ mà không làm thì không kịp tiến độ và nguy cơ bị phạt.

Đáng chú ý, hồi giữa tháng 5/2021, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định đã phải làm văn bản xin kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng hoặc tạm dừng thi công chờ bình ổn giá.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam dù chưa có số liệu cụ thể, nhưng sự khó khăn của các doanh nghiệp nhà thầu là có thật, nếu không sớm có những giải pháp tháo gỡ thì rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng phá sản của một số doanh nghiệp không chịu đựng được.

Hà My
Ý kiến của bạn