Trong tháng 10, Thủ tướng yêu cầu có gói 30.000 tỷ đồng cho nhà xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành trong tháng 10/2024 việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Theo thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ về hội nghị 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho người vay mua, thuê, xây dựng hoặc cải tạo loại nhà ở để thực hiện chính sách xã hội.
Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu và hoàn thành trong tháng 10.
Nguồn lực của gói tín dụng này lấy từ ngân sách địa phương và khoảng 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ. Như vậy, vốn của gói 30.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, khác với nguồn lực gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.
Trước đó, cuối tháng 5, Bộ Xây dựng từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội, với lãi suất thấp hơn 3-5% lãi vay thương mại, kỳ hạn 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp, mới đạt khoảng 1.344 tỷ đồng tức gần 1%. Trong số này, 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án vay, còn lại là người mua nhà.
Ngoài 4 ngân hàng TMCP Nhà nước, có thêm các ngân hàng TMCP gồm TP Bank, VPBank, MBBank và Techcombank tham gia với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Các ngân hàng đã triển khai cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân (của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường).
Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh hạ lãi suất. Doanh nghiệp được ưu đãi 8%/năm và với người mua nhà 7,5%/năm. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, lãi suất và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.
Nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay còn rất khiêm tốn, đặc biệt tại các địa phương có nhu cầu cao như Hà Nội, TPHCM.
Huyền My (t/h)Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.