Trong vòng xoáy thua lỗ nghìn tỷ, bầu Đức quyết “sống chết” với cây ăn quả

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:43 AM 15/06/2020

Việc thua lỗ tới hơn 1.800 tỷ đồng trong năm 2019 dường như không khiến bầu Đức nao núng và vẫn quyết đặt cược toàn bộ ván bài kinh doanh vào cây ăn quả, kế hoạch lỗ tiếp 356 tỷ đồng trong năm 2020.

Sau khi thất bại với cây cao su, bầu Đức không bỏ hẳn mảng này nhưng dồn toàn lực cho cây ăn quả

Lên kế hoạch tiếp tục thua lỗ trong năm 2020

Theo kế hoạch, vào ngày 26/6 tới, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ triệu tập đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 để thông qua các nội dung quan trọng liên quan đến kế hoạch kinh doanh thời gian tới.

Cụ thể, về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020, HAGL dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần 5.082 tỷ đồng, chủ yếu từ mảng cây ăn quả và mủ cao su. Trong đó, mảng kinh doanh cây ăn quả dự kiến vẫn sẽ tạo ra doanh thu chủ lực trong cơ cấu doanh thu năm 2020 của tập đoàn, mang lại khoảng 4.672 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 92% trong cơ cấu doanh thu.

Riêng cây chuối, dự kiến sẽ đạt sản lượng 350.591 tấn, mang doanh thu 4.187 tỷ đồng, đóng góp 82,4% trong cơ cấu doanh thu. Mít dự kiến sản lượng 12.715 tấn, doanh thu 255 tỷ đồng, đóng góp 5% trong cơ cấu doanh thu. Thanh long dự kiến sản lượng 12.023 tấn, doanh thu 231 tỷ đồng, đóng góp 4,5% trong cơ cấu doanh thu.

Mủ cao su và một số loại cây khác dự kiến chỉ đóng góp khoảng 2,9% tổng doanh thu với 146 tỷ đồng. Doanh thu các hoạt động khác mang về khoảng 264 tỷ đồng, đóng góp 5,2% trong cơ cấu doanh thu HAGL năm 2020.

Với mức kế hoạch lỗ hợp nhất trước thuế 356 tỷ đồng, năm 2020, HAGL dự kiến không thực hiện chia cổ tức.

Tờ trình do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) ký dự kiến trình ĐHĐCĐ cho hay, trọng tâm năm 2020 của HAGL là duy trì chăm sóc tốt diện tích cây ăn quả hiện có nhằm đảm bảo tính ổn định trong sản xuất kinh doanh song song với việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả.

HAGL khẳng định việc tiến hành sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và chuyên biệt theo nhóm cây trồng, ứng dụng công nghệ tiên tiến để hoàn thiện kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản trái cây, cải thiện năng suất và tăng tỷ lệ trái cây loại 1.

Đối với cây cao su, công ty này vẫn tiếp tục duy trì chăm sóc dù trong bối cảnh hiện nay giá cao su vẫn còn rất thấp.

(Số liệu: BCTC Kiểm toán HAGL - Đồ thị: Mai Chi)

Lỗ hơn 1.800 tỷ đồng trong năm 2019 nhưng nợ đã giảm

Trước đó, HAGL khép lại năm 2019 với doanh thu thuần giảm tới 61,49% so với năm 2018, đạt 2.075 tỷ đồng, trong đó tỷ trong doanh thu bán trái cây là 61,49%; doanh thu từ bán mủ cao su là 16,48%.

Con số lỗ sau thuế của HAGL năm 2019 lên tới 1.809 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vẫn lãi 217 tỷ đồng. Nguyên nhân gây thua lỗ do khoản lợi nhuận thu được từ việc chuyển nhượng cổ phần ở các công ty con và các công ty liên kết lớn hơn khoản lỗ hoạt động của công ty mẹ.

Từng đề cập về thực trạng này, tại báo cáo thường niên năm 2019, bầu Đức cho biết, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của năm này còn nhiều khó khăn nhưng HAGL đã nỗ lực đầu tư phát triển mạnh cây ăn quả và tiếp tục tái cấu trúc tập đoàn theo hướng tập trung vào ngành nông nghiệp, thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành, giảm bớt số dư nợ vay.

Đến cuối năm 2019, HAGL có trên 20.000 ha cây ăn quả (không bao gồm diện tích của các công ty con đã chuyển nhượng sang cho THADI) và hơn 30.000 ha cao su. Trong đó, diện tích chuối chiếm khoảng một nửa, góp phần chủ lực trong việc tạo ra doanh thu của năm 2019 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các năm tiếp theo…

HAGL đã hoàn thành nghiệp vụ chuyển nhượng dự án bất động sản Hoàng Anh Myanmar và các dự án ngành thuỷ điện. Bên cạnh đó, chuyển nhượng bớt các công ty con thuộc nhóm Cao su Đông Dương, Đông Pênh Agrico và cao su Trung Nguyên để tạo nguồn thanh khoản, trả bớt nợ vay ngân hàng và tăng cường đầu tư phát triển diện tích cây ăn quả.

Đến cuối năm 2019, tổng số dư nợ vay ngân hàng giảm xuống còn 12.700 tỷ đồng (số dư đầu năm là 18.000 tỷ đồng). “Đây là thành quả của sự nỗ lực đáng ghi nhận của toàn thể cán bộ công nhân viên HAGL” - bầu Đức cho hay.

Về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019, bầu Đức chia sẻ với cổ đông rằng, do HAGL đang trong giai đoạn đầu tư chuyển đổi ngành nghề và cơ cấu cây trồng nên phát sinh các khoản lỗ do chi phí chuyển đổi vườn cây và chi phí thanh lý các tài sản gắn liền với vườn cây cũ, trong khi hơn một nửa diện tích cây ăn quả đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản.

“Các khoản lỗ này sẽ giảm dần và HAGL sẽ nỗ lực để chuyển sang trạng thái có lợi nhuận trong thời gian sớm nhất”, Chủ tịch HAGL hứa hẹn với cổ đông.

Từ năm 2016, HAGL đã chuyển đổi chiến lược kinh doanh sang trồng cây ăn quả với việc cho rằng, những loại cây này có thời gian thu hoạch ngắn, thị trường tiêu thụ lớn và khả quan về hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, tập đoàn của bầu Đức cũng vẫn duy trì vườn cây cao su cho mục tiêu dài hạn.

Mai Chi
Ý kiến của bạn
VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên

Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.