Trục sông Hồng điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng
Theo đồ án quy hoạch Thủ đô đến năm 2045 sắp được HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua, trục sông Hồng sẽ được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, là mặt tiền, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng.
Theo kế hoạch, Kỳ họp chuyên đề thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức vào ngày 29/3. Tại kỳ họp này, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét 17 nội dung quan trọng.
Đáng chú ý, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Nội dung đồ án trên sẽ thể hiện quy mô của Thủ đô khoảng hơn 3.360km². Đồng thời, Hà Nội xác định quy hoạch đô thị theo 5 vùng. Trong đó, vùng đô thị trung tâm gồm nội đô lịch sử (các quận nội thành hiện hành). Vùng đô thị phía Đông Hà Nội gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Vùng đô thị phía Bắc gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Vùng đô thị phía Tây gồm các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ. Vùng đô thị phía Nam gồm các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên.
Hà Nội cũng định hướng phát triển theo 5 trục không gian chính, gồm trục sông Hồng, trục Hồ Tây - Ba Vì, trục Hồ Tây - Cổ Loa, trục Nhật Tân - Nội Bài và trục Nam Hà Nội.
Sông Hồng được Hà Nội xác định hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử và tầm vóc để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của thủ đô. Trục sông Hồng sẽ được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, là mặt tiền, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng.
Đồ án cũng đã định hướng quy hoạch cảng hàng không thứ 2 của Thủ đô thuộc huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên.
Hà Nội sẽ bố trí không gian phát triển cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô tại khu vực tiếp giáp trục cao tốc Tây Bắc - quốc lộ 5, giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt thống nhất Bắc - Nam và trục giao thông kinh tế phía Nam thuộc địa bàn một số xã thuộc huyện Ứng Hòa và Phú Xuyên. Công suất dự kiến khoảng 50 triệu hành khách/năm.
Trong đồ án TP. Hà Nội đề xuất áp dụng mô hình "thành phố trong Thủ đô". Cụ thể, thời gian tới, Hà Nội sẽ dành nguồn lực xây dựng thành phố phía Bắc, nằm trên địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn. Thành phố phía Tây thuộc khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) và thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ).
TP. Hà Nội cũng định hướng khu đô thị nông thôn ở phía Nam, gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch tín ngưỡng của Thủ đô.
Ngoài ra, Kỳ họp chuyên đề thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ xem xét các nội dung quan trọng như: Xem xét, để thông qua Nghị quyết bãi bỏ các Nghị quyết liên quan đến nội dung, mức chi đặc thù cho phòng, chống, hỗ trợ người bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TP Hà Nội từ năm học 2023-2024 thay thế Nghị quyết số 3/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP; Quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội; xem xét việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024; danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024...
Huyền My (t/h)Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.