Trưng bày Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An

Địa phương
07:58 AM 19/10/2024

Chiều 18/10, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức buổi gặp gỡ báo chí thông tin về Trưng bày “Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An”. Sự kiện diễn ra tại tòa nhà Trống đồng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, từ ngày 18/10/2024 đến ngày 17/01/2025.

Bà Vũ Thị Liên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm; TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; TS. Vi Văn An - Cố vấn khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc Thái tại Việt Nam, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - đồng chủ trì họp báo.

Ngoài ra, buổi gặp gỡ này còn có sự tham dự của Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - TS. Nguyễn Văn Đoàn cùng đông đảo chuyên gia, khách mời là những người dành tâm huyết rất nhiều cho Văn hóa dân tộc Thái.

Trưng bày Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An- Ảnh 1.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm Vũ Thị Liên chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí.

Phát biểu khai mạc buổi gặp gỡ báo chí, bà Vũ Thị Liên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm cho biết: Trưng bày "Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An" giới thiệu một phần bộ sưu tập đồ vải thuộc sở hữu của Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm, gồm 190 tấm mặt chăn (nà pha), trong đó 101 hiện vật (nà pha) đã được giám định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại Quyết định số 1195/QĐ-SVHTT ngày 14/10/2024. Các tấm nà pha được sưu tầm trong khoảng thời gian những năm 1990 tại vùng người Thái Trắng (nhóm Tày Mường) ở miền tây tỉnh Nghệ An.

TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học - cho biết: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm đã có nhiều hợp tác đồng điệu giữa văn hóa, khoa học và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu trải nghiệm của khách tham quan. Lần này, chúng tôi cùng nhau giới thiệu bộ sưu tập đồ dệt, thêu thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái. Đây cũng là bộ sưu tập được chuyên gia di sản, chuyên gia dân tộc học đánh giá là di sản quý hiếm mang giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc.

"Việc hợp tác công tư về văn hóa này cũng là một chủ trương mà UNESCO luôn đề cao, khuyến khích. Qua đó, chúng tôi muốn làm sâu sắc thêm tình yêu đối với văn hóa, nghệ thuật và nhận thức để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của người Thái nói riêng và các tộc người của Việt Nam và trên thế giới", TS. Bùi Ngọc Quang chia sẻ.

Trưng bày Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An- Ảnh 2.

Quang cảnh sự kiện.

Cũng theo TS. Bùi Ngọc Quang: "190 tấm nà pha này được lựa chọn trong nhiều tấm đã được Công ty Trúc Lâm sưu tầm từ những năm 90 của thế kỷ trước tại vùng người Thái Trắng ở miền tây Nghệ An. Bộ sưu tập dày dặn này cho thấy Công ty Trúc Lâm không chỉ sản xuất, kinh doanh mặt hàng handmade mà còn rất chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản những di sản văn hóa của dân tộc. Điều này khẳng định một quan điểm/lối đi - "làm kinh tế để nuôi văn hóa" là rất hợp lý, hiệu quả và đáng trân trọng".

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí, TS. Vi Văn An chia sẻ: Nà pha được dùng làm vỏ chăn, của hồi môn cho cô dâu làm quà tặng khi về nhà chồng, choàng giữ ấm cho trẻ em về mùa đông, trang trí ngày Tết... Thông qua kỹ thuật dệt, thêu tinh xảo và cách phối màu hài hòa cùng với những nguyên liệu tự nhiên, nà pha thể hiện nét đặc trưng thẩm mỹ trong sản phẩm đồ dệt của người Thái Nghệ An.

Hầu hết các tấm nà pha trong bộ sưu tập có khổ rộng 40 cm, được dệt theo kỹ thuật móc (khuýt) hoặc thêu (xéo) bằng sợi tơ tằm nhuộm màu rồi khâu ghép trên nền vải bông. Các hoa văn trang trí thường được sắp xếp theo chiều ngang, tạo thành dải đối xứng hoặc xen kẽ, với phong cách chủ yếu là tả thực, thể hiện bốn chủ đề chính: Động vật, thực vật, đồ vật và các hiện tượng tự nhiên,

Trong trưng bày, các tấm nà pha được trang trí nhiều hoa văn động vật trên cạn và dưới nước. Ngoài được thêu trên mặt chắn, loại hoa văn này cũng xuất hiện khá phổ biến trên chân váy của người Thái. Trong số các loài động vật trên cạn, phổ biến nhất là hình hươu, nai, voi, ngựa, chim công, bướm, gà và rồng cạn.

Đối với động vật dưới nước, hình ảnh rồng nước với nhiều biến thể là chủ đạo. Các hoa văn động vật đều có ý nghĩa biểu tượng riêng. Chẳng hạn, rồng tượng trưng cho sức mạnh, kết hợp cả yếu tố lành và dữ; voi đại diện cho lòng trung thành; hươu, nai và chim công biểu trưng cho vẻ đẹp; còn ngựa tượng trưng cho sự tự do.

Hoa văn hình thực vật cũng có trên các nà pha của Trưng bày này. Đây cũng là loại hoa văn xuất hiện phổ biến trên mặt chăn và chân váy, bao gồm các loài hoa, quả rừng, hạt, cây cỏ, đót dừa, lá cau, rau dớn, rau bợ. Trên mặt chăn, các họa tiết này chỉ đóng vai trò điểm xuyết, trang trí, nên thường có kích thước nhỏ hơn các hoa văn chính.

Trưng bày Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An- Ảnh 3.

TS. Vi Văn An - Cố vấn khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc Thái tại Việt Nam - phát biểu tại buổi gặp gỡ thông tin báo chí.

Ngược lại, trên chân váy, chúng thường đóng vai trò chính, nổi bật với cả hai phong cách thể hiện: mô phỏng cách điệu và tả thực. Mỗi hoa văn thực vật mang ý nghĩa biểu tượng riêng. Hình đốt dừa tượng trưng cho sự định cư, hình quả trám và quả sổ gợi nhắc về các loại quả đã cứu người khỏi nạn đói, còn hình hạt dưa liên quan đến vai trò của phụ nữ và kinh nghiệm xen canh giữa bông và dưa.

Với niên đại từ 30 đến 90 năm, bộ sưu tập này được xem là một trong những di sản đồ vải quý hiếm còn sót lại. Không chỉ phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái, bộ sưu tập còn mang giá trị lịch sử, văn hóa và đặc biệt là tính thẩm mỹ của người Thái qua việc thể hiện màu sắc và hoa văn độc đáo, tinh tế.

Bà Vũ Thị Liên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm - chia sẻ: "Bắt đầu từ những năm 1990, chúng tôi đã dành nhiều công sức để sưu tầm, bảo quản và gìn giữ bộ sưu tập này. Trong mỗi tấm mặt chăn, mỗi hoa văn, là cả một câu chuyện về văn hóa, cuộc sống và tâm hồn của người Thái. Chúng tôi tin rằng, qua Trưng bày này, công chúng sẽ có cơ hội cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế trong từng đường nét hoa văn trên mỗi tấm nà pha, và từ đó thêm trân trọng hơn các giá trị văn hóa dân tộc".

TS. Vi Văn An chia sẻ: Nói đến người Thái thì phải nói đến nghề dệt, một nghề mà người Thái ở Nghệ An sở hữu từ rất lâu đời. Nghề dệt đi vào đời sống của người Thái từ ăn, mặc, ở, nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng. Đồ vải chiếm vị trí quan trọng trong đời sống người Thái. Nói đến đồ dệt thì nói đến phụ nữ, đến giới.

Phụ nữ Thái là người đóng vai trò chủ chốt trong nuôi tằm ươm tơ, trồng bông dệt vải. Nghề trồng bông dệt vải là thước đo về công dung ngôn hạnh của một cô gái. Người Thái 13-14 tuổi, bà mẹ đã hướng dẫn cháu bé gái đường kim mũi chỉ, học từ đơn giản đến phức tạp. Lớp học dân gian nhưng là học kỹ năng để tự lập.

Với Người Thái, động vật khi đưa vào hoa văn đã có tính toán. Ví dụ, con rồng là con vật trong tưởng tượng, chưa ai thấy bao giờ, vốn rất phổ biến chân váy, mặt chăn... Người ta quan niệm đó là con vật có sức mạnh, có nét đẹp, sẽ hữu ích cho con người vì khi người Thái canh tác ruộng con rồng sẽ làm mưa. Có những hình tượng động vật đưa vào là mang tính hàm ơn, một trong những triết lý người Thái đưa vào họa tiết hoa văn.

Nhìn vào những hoa văn cầu kỳ, tinh xảo trên các tấm nà pha, chúng ta có thể thấy sự giàu có của chủ nhân, vì điều kiện khá giả mới có làm được. Hoa văn trên các tấm nà pha được trưng bày đều thể hiện của gia đình giàu có. Những gia đình không có điều kiện không thể làm được hoa văn từ sợi tơ tằm. Nếu có dệt, thêu họ chỉ tạo được những hoa văn đơn điệu, không cầu kỳ tinh xảo sắc nét.

Những hoa văn như con rồng, hoa quả số, hoa gai cọ đều là những những hoa rất phức tạp. Những hoa văn phức tạp như vậy cho thấy chủ nhân là gia đình siêng năng cần cù, trong khi siêng năng cần cù nghề dệt vải thêu thùa thì chỉ có nhà giàu thôi. Khi cưới con thì người ta phải nghĩ đến môn đăng hậu đối và làm chăn thật đẹp, chứ người nghèo không thể có chăn thêu đẹp được.
Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn