Trung Quốc khốn khổ vì "khủng hoảng kép": 1 ngành kinh tế 2.800 tỷ USD bị đe dọa nghiêm trọng
Những ngày đầu tháng 7/2025, Trung Quốc đang phải vật lộn với "khủng hoảng kép".
Trung Quốc đối mặt "khủng hoảng kép", đe dọa đến ngành kinh tế nghìn tỷ USD
Reuters thông tin cách đây ít giờ, miền Bắc và miền Đông Trung Quốc đang bị lũ lụt và nắng nóng cực đoan hoành hành, đe dọa đến ngành kinh tế nghìn tỷ USD của nước này.
Tính đến ngày 4/7, nắng nóng oi bức - với mức nhiệt từ 37-40 độ C - bao trùm bờ biển phía Đông Trung Quốc đang khiến các trung tâm sản xuất và nông nghiệp quan trọng dọc theo sông Dương Tử khốn đốn, làm dấy lên lo ngại về hạn hán và thiệt hại kinh tế.

Hình ảnh liên quan đến lũ lụt tại tỉnh Giang Tây ngày 8/7/2020. Nguồn: Tân Hoa xã
Thách thức mà các quan chức Trung Quốc phải đối mặt càng trầm trọng hơn khi trong khi phía Đông đang nắng nóng, thì các khu vực khác của đất nước đang phải vật lộn với những trận mưa xối xả, tình trạng mà các nhà phân tích cho là do biến đổi khí hậu.
Ngày 3/7, mưa lớn liên tục gây lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Bắc và Tây nước này, buộc chính quyền huy động hàng nghìn nhân viên cứu hộ để ứng phó. Hệ thống cảnh báo ĐỎ được kích hoạt khi mưa lan từ Tứ Xuyên (Tây Nam) qua Cam Túc (Tây Bắc) đến Liêu Ninh (Đông Bắc).
Reuters cho biết, nhiệt độ cực cao cùng lũ lụt và mưa cực đoan, được các nhà khí tượng học gắn với biến đổi khí hậu, đã nổi lên như một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.
Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm này đang gây quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tại nước này đồng thời đe dọa lớn đến ngành nông nghiệp trị giá 2.800 tỷ USD của Trung Quốc.

Khắp khu vực từ Tứ Xuyên (Tây Nam) qua Cam Túc (Tây Bắc) đến Liêu Ninh (Đông Bắc) đã ban hành cảnh báo ĐỎ về mưa lũ. Ảnh: AP
Vào tháng 7/2024, thiệt hại kinh tế do thiên tai đã vượt quá 10 tỷ đô la USD, khi "Mưa mận" - được đặt tên theo thời điểm trùng với mùa mận chín dọc theo sông Dương Tử của Trung Quốc trong mùa gió mùa Đông Á - đạt đỉnh điểm.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại lớn về người và kinh tế.
Trong báo cáo năm 2023 được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, tỷ lệ tử vong liên quan đến nắng nóng tại Trung Quốc ước tính là 50.900 ca tử vong vào năm 2022, tăng gấp đôi so với năm 2021.
Năm 2022, Trung Quốc hứng chịu đợt nắng nóng tồi tệ nhất kể từ năm 1961, nhiều nơi trong cả nước phải chịu đợt nắng nóng kéo dài 79 ngày từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8.
Theo các nhà khoa học khí hậu, sự nóng lên toàn cầu do hoạt động của con người, như phát thải khí nhà kính, làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nắng nóng cực đoan: Nhiệt độ Trái Đất tăng làm các đợt nắng nóng trở nên kéo dài và dữ dội hơn. Hơi nước trong khí quyển cũng tăng, tạo điều kiện cho các đợt nóng ẩm khắc nghiệt.
Mưa lũ cực đoan: Biến đổi khí hậu làm thay đổi mô hình hoàn lưu khí quyển, dẫn đến mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn. Hơi nước tăng trong không khí (do nhiệt độ cao hơn) làm tăng khả năng xảy ra các trận mưa lớn, gây lũ quét và sạt lở đất, như đã thấy ở miền Bắc và Tây Trung Quốc.
Các nghiên cứu từ IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu) và các tổ chức khí tượng học toàn cầu xác nhận rằng những hiện tượng này đang gia tăng về cả tần suất lẫn mức độ nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu. Tại Trung Quốc, những sự kiện như “mưa mận” hay các đợt nắng nóng kỷ lục được ghi nhận là biểu hiện rõ ràng của xu hướng này.
Nguồn: Reuters
Trang Ly
6 tháng đầu năm 2025, ngành hàng rau quả gặp khó khăn, giá trị xuất khẩu chỉ đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2024.