Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm hùm Việt Nam
Trong những tháng đầu năm, xu hướng tiêu thụ tôm hùm tại Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong khi nhu cầu đối với tôm chân trắng và tôm sú chưa có sự phục hồi đáng kể.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của Việt Nam ghi nhận những dấu hiệu tích cực với sự tăng trưởng mạnh mẽ ở một số thị trường quan trọng.
2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 605 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ 2024. Về cơ cấu sản phẩm, tôm chân trắng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị xuất khẩu 344 triệu USD, tăng 15%, trong khi tôm sú đạt giá trị xuất khẩu 45 triệu USD, giảm 5%.
Ngoài ra, nhóm tôm loại khác, bao gồm tôm hùm, tôm càng xanh, tôm rừng… đạt mức xuất khẩu 216 triệu USD, tăng đột biến 222%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam với giá trị đạt 204 triệu USD, chiếm 34% tổng giá trị xuất khẩu tôm và tăng mạnh 150% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu nhờ doanh số xuất khẩu tôm hùm sang thị trường này tăng mạnh.
Xu hướng tiêu thụ tôm hùm tại Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong khi nhu cầu đối với tôm chân trắng và tôm sú chưa có sự phục hồi đáng kể. Điều này phản ánh xu hướng tiêu dùng từ cuối năm 2024 và cho thấy tiềm năng lớn của dòng sản phẩm này trong thời gian tới.
Dù nhập khẩu thủy sản có sự điều chỉnh, tôm vẫn chiếm đến 24% tổng khối lượng và đóng góp 41% vào giá trị nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc. Đây cũng là loại hải sản phổ biến nhất trên các nền tảng thương mại điện tử tại quốc gia này, đặc biệt là tại những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi nhu cầu tiêu thụ tôm luôn ở mức cao.
VASEP cho rằng, tôm Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc là vì nguồn cung nội địa quốc gia “tỷ dân” này giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi.
Nguồn cung nội địa khan hiếm cũng khiến cho giá tôm tại Trung Quốc từ đầu năm đến nay tăng vọt. Giá nội địa tăng cao khiến cho tôm nhập khẩu có cơ hội cạnh tranh lớn.
Mặt khác, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ cũng đạt 77 triệu USD, tăng 7%. Tuy nhiên, Mỹ là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu tôm khiêm tốn nhất trong các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.
Lý giải điều này, VASEP cho biết đầu năm 2025, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đi vào vận hành, người tiêu dùng Mỹ lo ngại về việc thuế nhập khẩu chưa rõ ràng có thể làm tăng giá các sản phẩm hải sản, bao gồm cả tôm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, đầu năm 2025, xuất khẩu tôm có dấu hiệu phục hồi tốt, nhất là tại thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc). Xu hướng tiêu dùng tôm tại Mỹ vẫn duy trì ổn định, thị trường châu Âu ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tôm sạch, tôm hữu cơ và tôm chế biến sẵn.
Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4-4,3 tỷ USD. VASEP nhận định xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng nhờ vào sự điều chỉnh chiến lược sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng như Australia, Trung Đông, Anh, Hàn Quốc...
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, VASEP kiến nghị doanh nghiệp cần đẩy mạnh các sản phẩm chế biến sẵn, tối ưu chi phí sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường nhập khẩu.
Huyền My (t/h)
Theo khảo sát hàng tuần của Kitco News, các chuyên gia trong ngành thể hiện sự lạc quan mạnh mẽ về tiềm năng tăng giá của vàng. Trong khi đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ gia tăng kỳ vọng một cách khiêm tốn.