Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định: Vươn lên bằng nội lực

Địa phương
08:16 PM 14/06/2023

Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định đã mang lại niềm tin cuộc sống cho nhiều trẻ em thiếu may mắn, giúp các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Là trung tâm từ thiện cứu chữa bệnh tật, dạy văn hóa, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, mắc bệnh tự kỷ, câm điếc, nhiễm chất độc da cam tại Nam Định và các tỉnh lân cận, bằng tấm lòng yêu trẻ, cảm thông với từng số phận và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, những cán bộ, lương y, giáo viên của Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định đã trở thành địa chỉ tin cậy, mái ấm tình thương cho trẻ em khuyết tật, giúp các em có thêm ý chí, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

photo-1686741673409

Những năm qua, Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định đã cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ khuyết tật, tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động vui chơi, hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, chăm sóc y tế… Nhờ đó, các em có thêm động lực vượt khó, vươn lên trong học tập và trở thành công dân hữu ích cho xã hội.

Trung tâm được thành lập theo Quyết định số 180/QĐ-UB ngày 30/5/1996 của UBND thành phố Nam Định và Quyết định số 120/TC-TWH ngày 05/6/1996 của Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Những ngày đầu, trung tâm gặp rất khó khăn, điều kiện nhân lực cũng như vật lực còn hạn hẹp, hầu hết trang thiết bị của cơ sở đều phải đi mượn. Buổi sơ khai trung tâm chỉ có một Giám đốc, ba bác sỹ và hai lương y tình nguyện làm việc không lương. Với nguồn tài trợ ban đầu ít ỏi của UBND tỉnh Nam Định, trung tâm đã tiến hành mua sắm phương tiện, xây dựng và đi vào hoạt động theo phương thức tự trang trải.

photo-1686741684954

Tặng quà cho các em tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định.

Qua hơn 20 năm vượt khó, Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định đã phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người. Nhờ đó, trung tâm đã mở rộng và có 2 cơ sở tại TP. Nam Định: một cơ sở chuyên điều trị phục hồi chức năng và dạy văn hóa, một cơ sở dạy nghề và thực nghiệm sản xuất cho trẻ em, thanh thiếu niên khuyết tật và các diện chính sách xã hội.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn của trung tâm đều được đào tạo nghiệp vụ qua trường lớp. Nhiều lương y, y tá, giáo viên của trung tâm được cử đến Viện nghiên cứu khoa học giáo dục chuyên biệt để học tập các phương pháp điều trị phù hợp, như châm cứu kết hợp dạy ngữ âm; dạy nói và dạy chữ chỉ có một cô - một trò. Đồng thời, xây dựng thêm 7 phòng điều trị, dạy chữ chuyên biệt cho nhóm đối tượng này. Nhờ đó, đã có hàng trăm em mắc chứng tự kỷ, điếc câm bẩm sinh được điều trị có tiến triển tốt.

Ông Trần Hải, Giám đốc trung tâm cho biết: Chúng tôi là tổ chức xã hội tự trang trải kinh phí hoạt động, mặc dù nhận được sự giúp đỡ, động viên của các tổ chức Hội, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước song trung tâm vẫn gặp nhiều khó khăn bởi công tác dạy học, khám chữa bệnh đòi hỏi phương tiện, trang thiết bị phải hiện đại, nhân lực được đào tạo, cần có những giáo án chuyên biệt... Trước thực tế này, trung tâm luôn cố gắng khắc phục, đổi mới, duy trì và phát triển y tế, giáo dục và dạy nghề được ổn định, bền vững để giúp đỡ được nhiều trẻ em khuyết tật, trẻ em diện chính sách xã hội hơn nữa.

photo-1686741685503

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan trao hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho Giám đốc Trung tâm Trần Hải

Trung tâm hàng ngày đón nhận từ 20-40 trẻ khuyết tật từ các huyện, thành phố trong tỉnh và nhiều tỉnh khác (như Hà Nam, Thái Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa…) đến khám chữa bệnh bằng điện châm, phục hồi chức năng vận động, nghe nói; biết tự chăm sóc mình và giao tiếp đơn giản. Người bệnh được miễn phí toàn bộ tiền thuốc khi đến điều trị; các em ở xa có nhu cầu được trung tâm bố trí ở nội trú và cấp miễn phí bữa ăn.

Nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ khi đến đây được dạy kỹ năng sống, được cải thiện về tâm sinh lý và phát triển thể chất. Những em bị câm điếc bẩm sinh sau thời gian được bấm huyệt, trị liệu ngôn ngữ, đã nói được những câu giao tiếp đơn giản và hát các bài hát ngắn.

Hàng tháng hoặc vào các dịp lễ Tết, ngoài sự hỗ trợ của trung tâm, các em còn được nhiều tổ chức, đoàn thể trong và ngoài tỉnh đến thăm, tặng quà như: tặng bánh kẹo, đồ chơi, quần áo, giầy dép…

photo-1686741686165

Trung tâm đẩy mạnh kết nối với các cơ sở dạy nghề để tổ chức dạy nghề phù hợp

Điều đặc biệt ở nơi đây là các bác sỹ, giáo viên và nhân viên hoạt động một cách tình nguyện và các em bé đến đây để điều trị đều được miễn giảm các khoản đóng góp. 

Có thể nói, trung tâm như ngôi nhà thứ hai của các em có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật.

Các lớp học tình thương của trung tâm đã đón nhận dạy hàng trăm học sinh là trẻ em khuyết tật, nhiễm chất độc và trẻ em lang thang cơ nhỡ. Đa số các em học sinh ở đây sau thời gian điều trị tại trung tâm đã khỏi hoặc bệnh đã giảm đi rất nhiều. 

photo-1686741686750

Các em khuyết tật đã tự tin thể hiện văn nghệ

Hàng năm trung tâm còn mở các lớp dạy cắt may, dạy tin học cho nhiều đối tượng khác nhau, trong đó tỷ lệ các em khuyết tật chiếm 40-50%. Sau thời gian đào tạo, các em đều thành thạo nghề được trung tâm giới thiệu làm việc ở các công ty, các cơ sở sản xuất tư nhân trong thành phố. Có những em học còn xin về phụ giúp gia đình, hoặc chủ động xin vào làm việc ở các xưởng sản xuất trong tỉnh (làm in lưới, đóng gói bánh kẹo, may mặc…); đặc biệt nhiều học sinh đã trở thành kỹ thuật viên ngành tin học, làm chủ doanh nghiệp (như em Trần Mạnh Tuấn là Giám đốc Công ty TNHH Sao Đỏ…).

Nhờ kết hợp 3 chiều "chữa bệnh - học tập - tổ chức vui chơi giải trí" nên số học sinh khuyết tật nơi đây có tiến bộ nhanh về sức khỏe và trí óc, có cơ hội hòa nhập cộng đồng, giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội và gia đình.

Sau hơn 20 năm hoạt động, Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật - TP Nam Định đã đón nhận, chữa trị và dạy chữ cho gần 4.000 trẻ em khuyết các loại ở tỉnh Nam Định và khoảng mười tỉnh, thành phố trong cả nước; trung tâm đã tư vấn, phát hiện sớm, dạy học, giáo dục chuyên biệt cho trẻ thiểu năng trí tuệ; đã dạy nghề cho các trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật; tặng xe lăn cho 226 em khuyết tật, tặng nhiều phương tiện hỗ trợ tàn tật cho các nhà cứu trợ Vĩnh Chân, Hiệp Hòa, Phú Thọ, Hà Nam…

Trung tâm đã phát huy được tác dụng của một cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm người, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho quê hương đất nước.

Đến hiện tại, Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật TP. Nam Định đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất, phòng sinh hoạt, bể bơi, điều trị phục hồi chức năng, học văn hóa và học nghề cho trẻ em khuyết tật. Dù vậy, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định vẫn hy vọng nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể để việc dạy và học của trẻ khuyết tật được ổn định hơn, tạo niềm tin, động lực cho các thầy cô tiếp tục cống hiến vì tương lai con em chúng ta.

Hoàng Vân
Ý kiến của bạn